Dù chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam (tính đến ngày 25/10/2024), nhưng cách tiếp thị rầm rộ của sàn thương mại điện tử Trung Quốc như Temu khiến người tiêu dùng rất tò mò và doanh nghiệp trong nước vô cùng lo lắng.
Việc quảng cáo và tiếp thị rầm rộ cùng với những sản phẩm có giá rẻ giật mình cũng là đề tài "nóng" được nhiều phóng viên đặt câu hỏi đối với các đại biểu Quốc hội bên lề hành lang trong tuần đầu tiên Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đang diễn ra.
Cần có cơ chế kiểm soát, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng
Chia sẻ bên lề Quốc hội vào chiều ngày 25/10, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Thương mại điện tử (TMĐT) là xu thế của thời đại, song nếu chúng ta thiếu kiểm tra, thiếu quy định quản lý chặt chẽ, sẽ gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế - xã hội.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ với phóng viên về "hiện tượng" sàn Temu và cơ chế quản lý TMĐT, ứng phó của doanh nghiệp và người dân. Ảnh: Thu Hường |
Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, TMĐT là hoạt động nhộn nhịp và sôi nổi đặc biệt với thị trường 100 triệu dân của nước ta. Tốc độ tăng trưởng về TMĐT trong thời gian qua của Việt Nam được đánh giá tăng nhanh nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, trước một số sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam như sàn Temu chưa được đăng ký, bán hàng giá rẻ, quảng cáo tiếp thị rầm rộ, đã gây cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp trong nước, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, bình đẳng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, chúng ta cần sớm luật hóa các quy định để chống thất thu thuế, bảo vệ người tiêu dùng có được những hàng hóa có chất lượng, xuất xứ rõ ràng. Do đó, lần này, Quốc hội sẽ thông qua nhiều luật, trong đó, liên quan đến Luật Quản lý thuế đã đưa nội dung này vào để các cơ quan nhà nước phối hợp với nhau, đảm bảo thu thuế trên nền tảng thương mại điện tử.
“Nếu chúng ta không đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp luôn tôn trọng pháp luật, thực thi pháp luật sẽ bị thiệt thòi”- đại biểu Ngân nhấn mạnh.
Đối với người tiêu dùng, ông Trần Hoàng Ngân khuyến cáo, người tiêu dùng nên hết sức thận trọng khi chọn mua hàng trên sàn thương mại điện tử chưa được kiểm chứng, nhất là hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc, nếu không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Đồng thời, đại biểu cũng lưu ý, cơ quan quản lý cần có quy định cụ thể để bảo vệ tốt nhất người tiêu dùng, tránh gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, TMĐT là xu hướng của thời đại, thương mại văn minh chúng ta phải thích ứng. Vấn đề quản lý nhà nước như thế nào để đảm bảo môi trường minh bạch, thị trường công bằng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trong thời kỳ khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão.
Chúng ta đang hoàn thiện các thể chế và bản thân doanh nghiệp trong nước cũng phải quen với hình thức này. Đại biểu đề nghị, các doanh nghiệp phải đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cơ quan quản lý phải có chính sách hỗ trợ, đào tạo doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh về kinh doanh online, kỹ năng về bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Bởi người bán lẻ của Việt Nam đôi khi đã quen với phương thức truyền thống là bán ở các chợ, giờ lên sàn thương mại điện tử, chúng ta phải trợ giúp họ.
Ông Ngân cũng khuyến cáo người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác để lựa chọn được những hàng hóa giá thấp nhưng đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ… Các cơ quan truyền thông cũng phải có những bài viết tuyên truyền để giúp người mua hàng trên các sàn TMĐT thận trọng trong lựa chọn hàng hóa, nhà cung cấp và cả vấn đề cung cấp dữ liệu cá nhân.
Lo ngại hàng Trung Quốc giá rẻ “tập kết thành kho” trong thị trường nội địa
Trước sự kiện của sàn thương mại điện tử Temu, chia sẻ với phóng viên Vuasanca bên lề kỳ họp Quốc hội chiều ngày 25/10, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn Hà Nội - cho rằng, đối với hàng hóa của Trung Quốc, không chỉ tác động đến mua sắm nhỏ lẻ của từng người. Đại biểu Hoàng Văn Cường lo ngại, hàng hóa đó có thể tập trung vào một đầu mối, kho hàng, trung tâm phân phối trong nước, sau đó tỏa đi.
Đại biểu Hoàng Văn Cường lo ngại hàng Trung Quốc giá rẻ tập kết thành kho trong nước. Ảnh: Thu Hường |
“Nếu từng người dân đặt hàng bên kia, sau đó từng đơn hàng từ Trung quốc chuyển về thì không phải nhiều. Do vậy, vấn đề quản lý hàng hóa đưa từ biên giới vào thị trường nội địa mới là vấn đề đáng quan tâm”- đại biểu bày tỏ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay: Hiện, chúng ta chưa có cơ chế để kiểm soát chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, chất lượng hàng hóa phụ thuộc vào quản lý của các sàn thương mại điện tử, cơ quan quản lý thị trường được giao nhiệm vụ và sẽ phải quản lý, kiểm tra các sàn TMĐT.
Liên quan đến quy định chưa đánh thuế với các hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam có giá trị dưới 1 triệu đồng theo hình thức thương mại điện tử, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, đôi khi chi phí để làm thủ tục thu thuế của các hoạt động này còn cao hơn số tiền thuế mà cơ quan thuế thu được, chưa kể đến nhiều mặt hàng chỉ là các sản phẩm hàng hóa thông thường phục vụ đời sống. Hiện tại, chúng ta chưa đặt vấn đề thu thuế với các giao dịch này. Tuy nhiên, đến thời điểm nào đó, hàng hóa nhập khẩu theo các đơn hàng nhỏ quá nhiều, tràn lan mà công nghệ kiểm soát quản lý của chúng ta cho phép, lúc đó, chúng ta cần tính lại.
Khi được hỏi về cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp và sàn TMĐT trong nước, Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, TMĐT phát triển rất mạnh, tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ giao dịch hàng hóa trên các sàn do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ chiếm không đến 10%, còn lại đến 90% là sàn nước ngòai, các sàn này gần như chiếm lĩnh thị trường TMĐT ở Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử thuộc top đầu khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Thu Hường |
Đại biểu cho rằng, doanh nghiệp Việt có lợi thế riêng, bản thân doanh nghiệp trong nước nếu có tổ chức mạng phân phối tốt, sẽ dễ dàng tiếp cận khách hàng trong nước hơn do am hiểu tâm lý, văn hóa, phương thức giao dịch...
“Sàn thương mại điện tử của doanh nghiệp Việt Nam nếu như tổ chức tốt, có thể tạo ra uy tín đối với người tiêu dùng trong nước, nhờ cơ chế kiểm soát nguồn gốc hàng hóa, chất lượng… Tuy nhiên, khó khăn là hàng hóa giao dịch trên sàn không chỉ có riêng hàng hóa trong nước mà còn có hàng quốc tế. Những sàn nước ngoài có hệ thống mạng lưới hoạt động ở các quốc gia, rõ ràng lượng hàng hóa nhiều... Do đó, doanh nghiệp Việt phải tăng cường năng lực của mình”- đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình 25%/năm, thuộc top đầu so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Thị trường bán lẻ thương mại điện tử ước đạt 20,5 tỷ USD năm 2023, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hiện đang vượt ngưỡng 61 triệu người và giá trị mua sắm trực tuyến của một người vào khoảng 336 USD. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh và năng động của thương mại điện tử, Việt Nam trở thành điểm đến mới của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó có Temu. Temu là nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, có ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP). Sự xuất hiện của Temu đã khiến chính phủ nhiều quốc gia lo ngại về khả năng cạnh tranh của các nhà bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ trong nước. Mới đây, Chính phủ Indonesia đã ban hành lệnh cấm Temu để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước và ngăn chặn hàng giá rẻ Trung Quốc tràn ngập quốc gia này. Chính phủ Thái Lan cũng đang nghiên cứu các biện pháp đánh thuế với Temu để ngăn chặn các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc tràn vào thị trường nước này. Hiện, Temu cũng bị Chính phủ Hoa Kỳ chú ý vì lo ngại liên quan đến bảo mật dữ liệu người dùng và nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, chưa có lệnh cấm chính thức nào được đưa ra với ứng dụng này. |