Vào thời điểm quan trọng đối với sự phục hồi toàn cầu, lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ phải tìm lời giải cho hàng loạt vấn đề nóng từ COVID-19, khí hậu đến cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, thuế tối thiểu toàn cầu hay xóa nợ cho các quốc gia nghèo.
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, ưu tiên hàng đầu cho sự phục hồi kinh tế chỉ có một đó là tăng tốc tiêm chủng cho dân số thế giới. Các quan chức y tế và tài chính trước đó đã cảnh báo về sự phục hồi 2 tốc độ, với khoảng cách chi tiêu và vaccine đang khiến các nước nghèo bị tụt lại phía sau trong quá trình phục hồi.
Ảnh minh họa: G20 |
Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva, cho rằng, nỗ lực tăng tốc độ tiêm chủng vẫn còn thiếu 20 tỷ USD để đạt mục tiêu 40% dân số thế giới được tiêm chủng vào cuối năm và 70% vào giữa năm sau: “Chúng tôi vô cùng lo ngại trước thực trạng đại dịch 2 tốc độ đang gây ra áp lực đối với các nền kinh tế, dẫn đến sự phục hồi theo hai hướng với những hậu quả tiêu cực cho tất cả các quốc gia. Các dữ liệu của chúng tôi cho thấy điều này và bao phủ vaccine toàn cầu là cách hiệu quả nhất để thúc đẩy sản lượng toàn cầu. Nói cách khác chính sách sách vaccine chính là chính sách kinh tế”.
Các nước G20 đã hỗ trợ chia sẻ vaccine thông qua Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) do Liên Hợp Quốc dẫn đầu. Tuy nhiên, chương trình này đã không thể giảm bớt tình trạng thiếu hụt vaccine nghiêm trọng ở các nước nghèo. Số lượng vaccine chia sẻ chỉ chiếm một phần nhỏ so với nhu cầu, trong khi các nước phát triển lại đang tập trung vào việc tiêm nhắc lại cho người dân của mình.
Cũng như đại dịch và hậu quả của nó, trong 2 ngày họp tại Roma, Italia, các nhà lãnh đạo G20 sẽ phải giải quyết vấn đề giá tiêu dùng, giá năng lượng tăng cao và những khó khăn trong chuỗi cung ứng, khi bao gồm cả những nhà sản xuất năng lượng hàng đầu như Saudi Arabia và Nga hay những người tiêu dùng lớn ở châu Âu, Trung Quốc và cả Mỹ.
Đại dịch COVID-19 và liên tiếp các cuộc khủng hoảng kéo theo đã gây ra sự mất lòng tin sâu sắc trong các thể chế toàn cầu. Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, nếu không đảo ngược dược sự thiếu hụt lòng tin này, hậu quả là không thể đo đếm, gây khó khăn cho việc giải quyết những vấn đề cấp bách toàn cầu.
“Niềm tin tin đang thiếu hụt. Có những câu hỏi nghiêm trọng về mức tin cậy. Chúng tôi nhận thấy mức độ nghi ngờ nguy hiểm giữa các cường quốc, giữa các thành viên của G20, giữa các nước phát triển và đang phát triển, bao gồm cả các nền kinh tế mới nổi. Và vì vậy mục tiêu quan trọng nhất của Hội nghị thượng đỉnh G20 là phải khôi phục lòng tin bằng cách giải quyết các nguồn gốc chính của sự ngờ vực bắt nguồn từ những bất công, bất bình đẳng và chia rẽ địa chính trị”.
Được thành lập vào cuối những năm 1990, G20 từ một tổ chức quốc tế chuyên ứng phó với các cuộc khủng hoảng tài chính đã trở thành một diễn đàn giải quyết các vấn đề cấp bách như tiếp cận vaccine toàn cầu và biến đổi khí hậu. Việc liệu cấu trúc của G20 có thích ứng được với nhu cầu phát triển của thời đại hay không sẽ được thử thách thách tại Hội nghị thượng đỉnh lần này./.