CôngThương - Tuy nhiên, Ukraina chỉ có thế mạnh về công nghiệp nặng và quốc phòng, các ngành sản xuất hàng tiêu dùng chưa phát triển nên phụ thuộc nguồn nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Tại Hội thảo “Tiếp cận thị trường tiềm năng Ukraina” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, ông Hoàng Dương Minh- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu- cho biết: “Hiện Ukraina có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng như: Dầu khí, hóa chất, thủy sản, chè, cà phê, rau quả, cao su, dệt may, giày dép, máy móc, thiết bị…”.
Chẳng hạn, năm 2011, Ukraina nhập khẩu các sản phẩm dầu khí 28,6 tỷ USD, hóa chất 8 tỷ USD, dệt may 2 tỷ USD, máy móc và thiết bị 13 tỷ USD, thủy sản trên 500 triệu USD…
Ukraina có chiến lược tăng cường hợp tác với châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Đây là cơ hội mà doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt. Việt Nam và Ukraina đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện từ tháng 3/2011.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ukraina tăng đáng kể trong thời gian gần đây: Năm 2009 (129 triệu USD), năm 2010 (115,7 triệu USD), 8 tháng đầu năm 2012 (130 triệu USD). Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn nhỏ, chiếm tỷ trọng 1,5% tổng giá trị nhập khẩu trên 80 tỷ USD của Ukraina.
Chưa quan tâm thị trường
Vậy tại sao doanh nghiệp Việt Nam chưa có được thị phần lớn tại Ukraina, trong khi Việt Nam đứng hàng đầu thế giới về một số nhóm hàng mà Ukraina có nhu cầu nhiều?
Theo ông Minh, nguyên nhân là doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm nhiều tới thị trường Ukraina do khó khăn về thông tin thị trường, pháp luật, văn hóa, ngôn ngữ, xa cách về địa lý, chưa hệ thống thanh toán thuận tiện…
Còn theo bà Lê Hoàng Oanh- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Việt Nam và Ukraina đã có cơ sở pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp kinh doanh với trên 20 hiệp định hợp tác trong nhiều lĩnh vực vận tải, hàng không, bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần và nhất là có cơ chế điều phối hợp tác qua Ủy ban liên Chính phủ.
Bà Oanh cho rằng, doanh nghiệp cần biết tận dụng cơ sở này để thâm nhập thị trường Ukraina, có thể qua thương vụ, các tổ chức xúc tiến thương mại hay những doanh nghiệp đi trước để nắm bắt thông tin và cơ hội.
Hoạt động xúc tiến thương mại tại Ukraina gần đây được doanh nghiệp rất quan tâm. Ông Vũ Thế Hoàng- Trưởng đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại Rainbow Cầu vồng tại Việt Nam - cho biết: “Trung tâm sẵn sàng làm cầu nối cho doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Ukraina, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chi nhánh và hệ thống phân phối, làm thủ tục pháp lý, tìm kiếm đối tác”. Trung tâm Rainbow đóng tại Kiev với diện tích 25.000 m2có hệ thống kho tàng, mặt bằng trưng bày hàng hóa, được đánh giá là rất thuận lợi cho giao dịch thương mại.
Việt Nam và Ukraina đã có cơ sở pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp hai nước hợp tác với trên 20 hiệp định hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: Vận tải, hàng không, bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần và nhất là có cơ chế điều phối hợp tác qua Ủy ban liên Chính phủ. |