Tại Hội thảo “Thương mại quốc tế theo EVFTA trong đại dịch Covid-19: Tìm cơ hội trong nghịch cảnh”, do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức, chiều 17/06/2020, tại Hà Nội, bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc VCCI), cho rằng: EU vẫn là thị trường tiềm năng lớn cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, EU cũng là thị trường nổi tiếng khó tính.
Thị trường EU không lớn lắm (khoảng 500 triệu người), nhưng là thị trường có qui mô nhập khẩu hàng hóa đứng thứ 2 trên thế giới. Trong số các mặt hàng chủ lực có thế mạnh Việt Nam đang xuất khẩu vào EU, chỉ có giầy dép có giá trị kim ngạch chiếm khoảng 11% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này của EU. Các mặt hàng khác như nhóm hàng rau, củ quả Việt Nam xuất khẩu mới chỉ chiếm 3% nhu cầu nhập khẩu của EU; thủy sản, gỗ, nhựa… còn có nhiều tiềm năng xuất khẩu.
Lợi ích EVFTA mang lại cho DN Việt Nam là tận dụng ưu đãi thuế quan để xuất khẩu. Tuy nhiên, thị trường EU rất khó tính cả về góc độ chính sách, pháp luật lẫn văn hóa kinh doanh, tiêu dùng. EU có rất nhiều qui định về các rào cản kỹ thuật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa (chỉ cần ghi sai nhãn sẽ rất phức tạp), vấn đề lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ… Đặc biệt, yếu tố văn hóa và thói quen tiêu dùng của người EU còn khắt khe hơn cả các qui định pháp lý. Khi mua sắm, hoặc đặt hàng (nhập khẩu), các đối tác EU thường đặt ra các yêu cầu rất cao về an toàn thực phẩm, cam kết về vấn đề sử dụng lao động, bảo vệ môi trường, tính nhân văn của sản phẩm… trong quá trình sản xuất và đưa ra thị trường.
Các rào cản nêu trên ở thị trường EU vốn đã có từ trước, khi EVFTA có hiệu lực sẽ tiếp tục được thực thi. Một vấn đề mà các chuyên gia lưu ý, đó là, tác động của Covid-19, có thể khiến thị trường EU thay đổi, điều chỉnh về cấu sản phẩm nhập khẩu, thay đổi cách thức kiểm soát thị trường… Do đó, khi khác thác cơ hội từ EVFTA, các DN cần hết sức quan tâm yếu tố này. Bà Trang khuyến nghị, DN Việt Nam cần phải tìm hiểu, nắm bắt xem cơ hội từ EVFTA với mình là cơ hội nào, sản phẩm nào, làm thế nào để khai thác…, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và có giải pháp thích hợp để tận dụng. Thách thức lớn đối với các DN Việt Nam khi khai thác EVFTA, có lẽ chính là vấn đề chi phí tuân thủ. Không chỉ phải đầu tư tuân thủ tốt các tiêu chuẩn, vượt qua các rào cản kỹ thuật phi thuế quan, mà còn cả vấn đề liên quan đến pháp lý trong tranh chấp thương mại.
Ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho biết: Các hệ thống kiểm tra của EU rất chặt chẽ, văn hóa tiêu dùng EU cao, sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chí của họ. Văn hóa pháp lý trong kinh doanh giữa các doanh nghiệp EU và Việt Nam cũng còn có khoảng cách. Chẳng hạn, các DN EU rất chặt chẽ khi xây dựng và thực hiện hợp đồng, tuân thủ các chuẩn mực, tiêu chí… rõ ràng. Các DN Việt Nam, nhất là DN nhỏ và vừa thì khi xây dựng hợp đồng thương mại quốc tế còn sơ sài, mỗi khi xảy ra tranh chấp rất bất lợi. Muốn tận dụng được cơ hội của EVFTA, DN Việt Nam cần phải tìm hiểu kỹ các vấn đề về pháp lý, văn hóa tiêu dùng, quản trị doanh nghiệp, đối tác, bạn hàng… từ phía EU.
Theo chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Võ Trí Thành, để thích ứng với xu thế cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch Covid-19 gây ra, các DN Việt Nam phải chú trọng đổi mới sáng tạo, tận dụng xu thế chuyển đổi số để khi đưa sản phẩm hàng hóa ra thị trường, ngoài tuân thủ tốt các tiêu chuẩn cần đáp ứng ra, phải có các giải pháp đi kèm sản phẩm tương tác tức thì với đối tác và người tiêu dùng. Hội nhập toàn cầu, thị trường, đối tác là khác nhau, cần phải tăng cường kết nối, chia sẻ, chân thành trong xây dựng quan hệ đối tác, thị trường, nắm bắt và thông hiểu các thông lệ quốc tế. Phải chú trọng hơn đến xây dựng uy tín thương hiệu, thực hiện trách nhiệm xã hội, quản trị rủ ro… Làm được những yêu cầu này, DN sẽ tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA.
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Văn Tuyên - Giám đốc Công ty TNHH Tiến Đạt, cho rằng: EVFTA mở ra những cơ hội mới. Công ty Tiến Đạt đang tìm hiểu EVFTA liên quan đến ngành hàng xuất khẩu của mình nhằm tận dụng ưu đãi cắt giảm thuế quan theo lộ trình để xuất khẩu vào EU. Tuy nhiên, DN cũng nhận thức được khi vào thị trường EU phải vượt qua những hàng rào phi thuế quan. Chẳng hạn, sản phẩm gỗ của Công ty Tiến Đạt khi xuất vào EU, phải tuân thủ tốt qui định về nguồn gốc gỗ hợp pháp; thiết kế sản phẩm liên quan đến gỗ cũng phải phù hợp thị hiếu của người EU... Theo ông Tuyên, ngoài nỗ lực tự thân của DN, các cơ quan nhà nước cần có những cuốn sổ tay hướng dẫn cho từng ngành nghề về cách tiếp cận thị trường EU, thực hiện cam kết, cung cấp các thông tin về thị trường EU khi thực thi EVFTA… Điều này sẽ rất hữu ích cho các DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào EU.