Khởi động cải tiến sản xuất cho 51 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phía Nam
Theo đại diện của Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Nam (IDCS) - đơn vị thuộc Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đây là hoạt động nằm trong chương trình hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn cải tiến sản xuất tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khu vực phía Nam theo nội dung Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/1/2017 về phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 đến 2025.
Đợt này, IDCS đã thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong 2 tuần và tiến hành lựa chọn 51 doanh nghiệp tổ chức lễ khởi động (kick off) cải tiến sản xuất.
Đại diện IDCS tư vấn tại một doanh nghiệp ở Bình Dương |
Các doanh nghiệp tham gia cải tiến đợt tập trung vào những lĩnh vực như cơ khí, may mặc, điện, da giày, sản xuất và in ấn bao bì, cao su/ nhựa. Địa bàn tham gia của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Dương, Long An.
Thông qua hiệu quả hoạt động của chương trình, IDCS kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phải luôn luôn cải tiến sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ để làm bệ đỡ cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới.
Ông Hoàng Bá Sơn - Quyền Giám đốc IDCS - cho biết: Với sự thống nhất của CEO doanh nghiệp, hàng trăm đề tài được thống nhất triển khai tập trung chủ yếu vào cải tiến tăng năng suất, giảm lost công đoạn, tối ưu layout nhà xưởng... Với cam kết của CEO doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhóm cải tiến tại doanh nghiệp, các tư vấn viên và chuyên gia trung tâm đang từng bước triển khai và hoàn thiện từng nội dung đề tài theo lịch trình đã thống nhất.
Tư vấn cải tiến năng suất tại một doanh nghiệp dệt may |
Chẳng hạn với nhóm cải tiến năng suất, theo đại diện của nhóm này, trong quá trình làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, các chuyên gia trong nhóm đã hướng dẫn doanh nghiệp phương pháp triển khai, chuẩn hóa các form quy định, nhân rộng công tác đào tạo nội bộ. Sau khi được đào tạo, các doanh nghiệp sẽ có năng lực nhận diện được các loại lãng phí từ thực tế, có kiến thức và năng lực vận dụng được 7 công cụ quản lý chất lượng, nâng cao nhận thực và kỹ năng xử lý môi trường.