“Chi bộ của cháu chỉ có 4 đảng viên làm chuyên môn y tế đơn thuần, thế mà Quyết định kiểm tra tài chính Đảng của Ủy ban Kiểm Đảng ủy xã Gia Tiến lại đóng dấu “MẬT”. Trước đó, cháu nhận được quyết định kỷ luật của Đảng ủy xã Gia Tiến cũng được đóng dấu “MẬT” - đồng chí Nguyễn Thị Vân, Bí thư chi bộ, phụ trách Trạm y tế xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã bức xúc nói với chúng tôi như thế.
Quả thật, nhìn hai Quyết định của Đảng ủy và Ủy ban kiểm tra Đảng ủy xã Gia Tiến, chúng tôi khá bất ngờ bởi việc kiểm tra tài chính Đảng của chi bộ, thi hành kỷ luật đảng viên chẳng có yếu tố “mật” nào cả.
Trụ sở UBND xã Gia Tiến, Gia Viễn, Ninh Bình - Ảnh: //giatien.giavien.ninhbinh.gov.vn/ |
Khảo sát một số địa phương, cơ quan, đơn vị, chúng tôi thấy tình trạng “mật hóa” các văn bản như Đảng ủy xã Gia Tiến không phải là hiếm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều, trong đó có nguyên nhân quan trọng là người ký văn bản sợ sai, không dám chịu trách nhiệm bởi nếu văn bản được công bố rộng rãi thì nhiều người sẽ phát hiện được những sai phạm.
Do vậy “đóng dấu “MẬT” để “an toàn”. Ví dụ như Quyết định thi hành kỷ luật của Đảng ủy xã Gia Tiến nếu công khai thì chắc chắn nhiều đảng viên trong xã sẽ thắc mắc vì nhiều gia đình đảng viên, trong đó có cả đảng viên là đảng ủy viên xã vi phạm hành lang đê, sao chỉ có duy nhất đảng viên Đỗ Thị Vân bị xử lý kỷ luật? Trong khi đó, nhiều chủ hộ xây dựng nhà ở, khu dịch vụ có quy mô lớn hơn rất nhiều so với khu đất của bố mẹ đảng viên Vân (đảng viên Vân không phải là chủ của lô đất này).
Công khai, minh bạch là một trong những giải pháp quan trọng của Đảng và Nhà nước ta để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đông đảo đảng viên và nhân dân rất đồng tình với việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam công khai kết quả kiểm tra, kỷ luật cán bộ, đảng viên trong thời gian gần đây. Đặc biệt, kết quả xử lý, kỷ luật những cá nhân, tổ chức vi phạm liên quan đến những vụ án, vụ việc dư luận quan tâm đều được thông tin nhanh chóng để cán bộ, đảng viên, người dân theo dõi, giám sát.
Việc công khai, minh bạch kết quả kiểm tra, giám sát có nhiều tác dụng tốt, giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm, giám sát và nâng cao nhận thức hơn về mục đích, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Đồng thời góp phần nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng của uỷ ban kiểm tra cấp ủy.
Thực tế cho thấy, nếu kết quả kiểm tra, kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm không được công khai, thông tin rộng rãi, kịp thời sẽ làm giảm sức răn đe, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên, dẫn đến những đồn đoán, nhận định không có căn cứ trong dư luận, tạo kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc, thông tin sai sự thật về công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Không chỉ riêng lĩnh vực kiểm tra, kỷ luật Đảng mà trong nhiều lĩnh vực khác, do làm không đúng hoặc tâm lý sợ sai mà người ký văn bản đã yêu cầu đóng dấu “MẬT” để cái sai của mình không bị lộ, cái sai của mình không được quần chúng nhân dân giám sát, phát hiện. Đây là giải pháp an toàn cho một người hoặc một nhóm người nhưng lại gây nguy hại cho xã hội, thậm chí có thể gây nguy hại đến quốc gia, đến sự tồn vong của chế độ.
Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” xuất bản năm 2023, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành riêng một mục trong bài viết tổng quan nói về việc cần “Tăng cường công khai, minh bạch, giám sát, kiểm soát quyền lực; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực”. Đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ: Công khai, minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực. Đó cũng là biện pháp đầu tiên và tốt nhất để chống lạm dụng quyền lực - mầm mống gây ra tha hóa và tham nhũng.
Bản chất của tham nhũng là lợi dụng quyền lực công để mưu lợi cá nhân. Công khai, minh bạch chính là đưa mọi hoạt động sử dụng quyền lực công, tiền bạc, tài sản công khai dưới sự giám sát của các cơ quan nhà nước và người dân. Công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần giải tỏa những bức xúc trong dư luận xã hội. Công khai, minh bạch sẽ làm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có ý thức hơn trong việc thực hiện chức trách, công vụ, đồng thời giúp thu hồi được tài sản trong các vụ án tham nhũng.
Thực tế cho thấy việc công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và chủ động cung cấp thông tin việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực được dư luận quan tâm sẽ góp phần định hướng thông tin tốt và tạo dư luận ủng hộ trong xã hội. Những chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước, những quyền lợi nhân dân được hưởng có liên quan đến trách nhiệm và quyền hạn của các vị trí công việc của các công chức, các cơ quan cũng cần phải được công khai để nhân dân có cơ sở đối chiếu trong quá trình giám sát và thụ hưởng.
Cán bộ, công chức có thể dễ bị cám dỗ hơn vào việc lợi dụng quyền lực để chiếm đoạt lợi ích chung cho riêng mình (hoặc có thể cùng cả nhóm) nếu như họ tin rằng những hành vi sai trái của họ không bị bóc trần và bị dư luận lên án. Để làm được điều này, họ sẽ đóng dấu “MẬT” vào các văn bản. Chính vì thế, rất cần có những quy định cụ thể về thể thức công khai của các loại văn bản, có cơ chế giám sát việc ban hành văn bản “MẬT”.
Từ thực tế công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong thời gian qua cho thấy, ở đâu mà các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính không công khai, minh bạch thì ở đó dễ nảy sinh tư tưởng của công chức “gây khó để ló phong bì”. Vì vậy, để phòng, chống tham nhũng một cách căn bản, trước tiên phải hoàn thiện cơ sở pháp lý về công tác này, trong đó phải có những chế tài bắt buộc các cơ quan Nhà nước, công chức Nhà nước phải minh bạch hóa các hoạt động, cơ chế, thủ tục (trừ những vấn đề thuộc về bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật).