Những con số đáng khích lệ
Hình thức hỗ trợ có thu hồi vốn đã trở thành thương hiệu của khuyến công Lâm Đồng, và ngày càng phát huy ưu thế khi thu hút hiệu quả nguồn vốn đối ứng từ phía các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT). Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, khuyến công Lâm Đồng đã thực hiện 102 đề án có thu hồi vốn với 38,5 tỷ đồng, chiếm 71% ngân sách cấp cho hoạt động khuyến công. Các doanh nghiệp nhận tài trợ đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, có nguồn để trả nợ đầy đủ cho quỹ, giúp nguồn quỹ được bảo toàn và luân chuyển nhanh chóng, ngày càng nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này.
Vốn đối ứng từ cơ sở giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn khuyến công |
Hơn nữa, thông qua hình thức hỗ trợ có thu hồi, kinh phí hoạt động khuyến công hàng năm của tỉnh Lâm Đồng được bổ sung đáng kể. Cụ thể, mỗi năm, ngân sách của tỉnh bố trí cho công tác khuyến công từ 3 - 5 tỷ đồng, nhờ vốn được thu hồi, nguồn kinh phí này tăng lên 6 - 9 tỷ đồng. Cùng với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia (khoảng 1 - 3 tỷ đồng/năm), khuyến công Lâm Đồng có nguồn lực đáng kể hỗ trợ các cơ sở sản xuất có nhu cầu.
Theo bà Cao Thị Thanh - Phó giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng - 7 năm qua (2014 - 2020), với 38,5 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ thực hiện 102 đề án khuyến công Lâm Đồng đã thu hút 200 tỷ đồng vốn đối ứng từ các cơ sở CNNT, tức là gấp 5,1 lần kinh phí ngân sách đầu tư. Số lượng cơ sở sản xuất giai đoạn này cũng tăng thêm 500 cơ sở, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 6.500 lao động.
Không chỉ có Lâm Đồng, Bình Định cũng là một trong những địa phương thu hút nguồn vốn đối ứng thụ hưởng ở mức cao trong khu vực. Số liệu từ Sở Công Thương Bình Định cho thấy, giai đoạn 2014 - 2020, từ 27,853 tỷ đồng “vốn mồi”, khuyến công Bình Định đã thu hút trên 160,107 tỷ đồng vốn đối ứng từ các cơ sở CNNT (gấp 5,9 lần). Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến 2 nội dung thu hút nhiều vốn đối ứng của các cơ sở sản xuất. Đây cũng là nội dung được khuyến công Bình Định ưu tiên dành nguồn vốn cho triển khai. 7 năm qua, khuyến công Bình Định đã thực hiện 122 đề án thuộc nội dung này, với tổng kinh phí hỗ trợ 14,135 tỷ đồng, chiếm 50,7% trong tổng kinh phí của cả giai đoạn. Các đề án được triển khai gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, sản xuất sản phẩm mới, nên kết quả đạt được rất thiết thực.Những con số về thu hút nguồn vốn đối ứng từ 2 địa phương là con số đáng ghi nhận, đồng thời là minh chứng rõ nhất cho hiệu quả chương trình khuyến công của 2 địa phương nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên sau nhiều năm nỗ lực triển khai thực hiện.
Tháo gỡ khó khăn về vốn
Theo đánh giá của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), trong bối cảnh các cơ sở CNNT không chỉ riêng khu vực miền Trung - Tây Nguyên mà trên cả nước, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa hình thức hỗ trợ có thu hồi đã giải quyết một phần khó khăn về vốn cho các cơ sở. Thông qua hình thức hỗ trợ vốn có thu hồi, các địa phương cũng hình thành được “quỹ khuyến công” với nguồn vốn khá lớn nằm tại các doanh nghiệp. Và việc thu hồi được thực hiện dần hàng năm nên nguồn vốn khuyến công tiếp tục được quay vòng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác.
Nhận định về hiệu quả chương trình khuyến công, cũng như hình thức hỗ trợ có thu hồi của Lâm Đồng thời gian qua, bà Cao Thị Thanh cho rằng, hình thức hỗ trợ vốn có thu hồi trở thành điểm sáng của khuyến công Lâm Đồng. Hình thức này góp phần tháo gỡ vấn đề thiếu kinh phí hỗ trợ, triển khai được nhiều đề án với nội dung đa dạng, phong phú, phù hợp với cơ sở CNNT. Quy mô các đề án được nâng cao, công tác tổ chức thực hiện ngày càng hiệu quả. Điều này cũng cho thấy, công tác khuyến công của Lâm Đồng ngày càng đi vào chiều sâu. “Kinh phí khuyến công đã phát huy tốt vai trò làm "vốn mồi", khuyến khích được các cơ sở CNNT đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm” – bà Cao Thị Thanh nói.
Thống kê của Bộ Công Thương, giai đoạn 2015 - 2020 trên cả nước, trung bình cứ 1 đồng vốn từ ngân sách nhà nước sẽ thu hút được khoảng 5,2 đồng vốn đầu tư của cơ sở CNNT. |