Mô hình trình diễn kỹ thuật dây chuyền sản xuất dầu FO-R từ cao su phế thải do Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Phương Nam làm chủ đầu tư |
Nhiều khó khăn
Theo đại diện Sở Công Thương Lạng Sơn, do đặc thù địa hình của tỉnh là đồi núi có độ dốc lớn nên quỹ đất tạo mặt bằng xây dựng nhà xưởng sản xuất không nhiều. Số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn tỉnh ít, hầu hết có quy mô nhỏ, năng lực tài chính có hạn, đã ảnh hưởng lớn đến việc tìm kiếm đối tượng thụ hưởng chương trình khuyến công. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến Lạng Sơn chưa xây dựng được kế hoạch khuyến công giai đoạn và các đề án khuyến công điểm, đề án có quy mô lớn để tạo điểm sáng kích thích đầu tư vào sản xuất CN-TTCN.
Nguồn ngân sách địa phương hàng năm bố trí cho thực hiện khuyến công chưa nhiều. Từ năm 2007 - 2015, bình quân mỗi năm chỉ được bố trí khoảng 700 triệu đồng, năm 2016 được cải thiện hơn, đạt 1,42 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN. Kinh phí ít nên mức hỗ trợ cho mỗi đề án không cao, chưa hấp dẫn được doanh nghiệp tham gia. Vì không có kinh phí nên phần lớn cán bộ thực hiện công tác khuyến công ở địa bàn các huyện là kiêm nhiệm, dẫn đến công tác khảo sát đánh giá tại địa bàn chưa sát sao.
Thực trạng trên khiến khuyến công Lạng Sơn chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Đặc biệt, chưa khai thác hết nội dung hoạt động khuyến công được quy định tại Nghị định số 45/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó nội dung tư vấn, cung cấp thông tin, đào tạo nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động hầu như chưa được triển khai hoặc triển khai đạt hiệu quả rất thấp.
Giải pháp sát sườn
Đại diện Sở Công Thương Lạng Sơn cho hay: Để khắc phục những khó khăn trên, đồng thời nâng cao hiệu quả chương trình khuyến công, thời gian qua, Lạng Sơn đã xây dựng nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, nội dung xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất được ưu tiên hàng đầu. Đồng thời tuyên truyền, nhân rộng các mô hình sản xuất sản phẩm mới, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và thực hiện sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
Thực tế trong những năm vừa qua, Lạng Sơn đã thực hiện một số đề án thuộc các nội dung này đạt hiệu quả rất tốt. Riêng năm 2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (trung tâm) đã thực hiện 10 đề án hỗ trợ lắp đặt máy móc thiết bị cho doanh nghiệp. Cụ thể, trung tâm hỗ trợ Công ty Cổ phần Non Nước lắp đặt và trình diễn thành công mô hình dây chuyền sản xuất vỏ hộp carton.
Trung tâm cũng hỗ trợ thực hiện thành công mô hình trình diễn kỹ thuật dây chuyền sản xuất dầu FO-R từ cao su phế thải do Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Phương Nam làm chủ đầu tư. Hiện nay, nhà máy đang trong quá trình hoàn thiện dây chuyền và vận hành sản xuất thử nghiệm.
Ngoài việc ưu tiên hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, trung tâm cũng sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác khuyến công do lực lượng này hay luân chuyển. Gắn công tác khuyến công với xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ tìm kiếm thị trường, mở rộng đầu ra cho sản phẩm công nghiệp nông thôn. Tăng cường bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư sản xuất, từ đó có những biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Năm 2017, khuyến công Lạng Sơn đăng ký 1 đề án khuyến công quốc gia về xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật với kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng, đồng thời triển khai rà soát, đánh giá, lựa chọn đơn vị hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương để đạt hiệu quả cao nhất. |