Kiểm tra nghiệm thu đề án khuyến công tại cơ sở |
Theo đánh giá từ Sở Công Thương Quảng Ngãi, những năm qua công tác khuyến công đã từng bước đóng góp quan trọng phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) của tỉnh.
Riêng năm 2016, từ 3,3 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ trung tâm đã tổ chức 7 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ mới, 1 đề án hỗ trợ sản xuất sạch hơn. Ngoài ra, trung tâm đã tổ chức Hội chợ Triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thu hút hơn 70.000 lượt người tham quan, mua sắm, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho hơn 30 đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tham gia.
Các đề án, đặc biệt là nội dung ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất đã giúp đơn vị thụ hưởng cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất, ổn định chất lượng sản phẩm. Giúp nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp duy trì ổn định và phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Năm 2017, hoạt động khuyến công tỉnh Quảng Ngãi ưu tiên hỗ trợ cơ sở CNNT sản xuất các sản phẩm có lợi thế, trọng tâm, trọng điểm để hoạt động khuyến công ngày càng thiết thực và hiệu quả. |
Tiêu biểu, trung tâm đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho Công ty TNHH Nhựa Đại Tân thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến để sản xuất các mặt hàng nhựa PET và khay/két nhựa”. Đề án được triển khai, hoàn thành đúng kế hoạch và nội dung được phê duyệt; tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, ngư dân.
Trung tâm cũng hỗ trợ 100 triệu đồng cho Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Hương Trầm thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến để chiết xuất tinh dầu trầm”. Sau khi bộ chiết xuất tinh dầu trầm Inox hai lớp, đun bằng điện được đưa vào sản xuất đã tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm yêu cầu xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Lam - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Ngãi - quá trình thực hiện công tác khuyến công của tỉnh vẫn gặp một số trở ngại. Tỉnh vẫn chưa triển khai hết 9 nội dung được quy định trong Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công, mới chỉ tập trung vào hai nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và đào tạo nghề; chưa thu hút được nhiều cơ sở tham gia và thụ hưởng chính sách khuyến công. Việc xây dựng kế hoạch khuyến công thường được triển khai từ giữa năm trước, nên trong quá trình thực hiện phụ thuộc nhiều vào sự biến động của thị trường và khả năng bảo đảm nguồn vốn đối ứng của đơn vị thụ hưởng vì vậy một số đề án đã bị chậm tiến độ.
Những trở ngại trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, nguồn kinh phí được cấp hàng năm còn hạn chế, mức hỗ trợ thấp, chưa hấp dẫn các dự án có vốn đầu tư lớn là nguyên nhân chủ yếu. Công tác khuyến công ở các huyện vẫn do cán bộ kiêm nhiệm thực hiện, chưa có mạng lưới cộng tác viên khiến việc tuyên truyền cũng như triển khai các đề án chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Do đó, để công tác khuyến công phát huy vai trò thúc đẩy sản xuất CNNT, trung tâm đã xây dựng nhiều giải pháp. Theo đó năm 2017 và những năm tiếp theo, tỉnh xây dựng chính sách khuyến khích phát triển theo hướng hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm; tuyên truyền sâu rộng đến các cơ sở sản xuất; tăng cường khảo sát cơ sở CNNT nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, đồng thời tư vấn định hướng phát triển phù hợp cho đối tượng thụ hưởng…
Tuy nhiên, để công tác khuyến công thuận lợi trong triển khai, phát huy tốt hiệu quả, đại diện trung tâm cũng đề xuất: Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) ưu tiên hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cho các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện khó khăn của tỉnh nhằm thu hút doanh nghiệp. Tăng mức chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản phẩm mới; nâng cao tỷ lệ thụ hưởng đối với đơn vị thực hiện đề án; quy định mức chi cụ thể đối với nội dung hỗ trợ đầu tư các phòng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại giúp trung tâm thuận lợi hơn trong triển khai đề án.