Khuyến công quốc gia: Góp phần khắc phục điểm yếu cho ngành nông sản
Là một trong những ngành hàng thế mạnh của Việt Nam, tuy nhiên hầu hết nông sản hiện vẫn được xuất khẩu dưới dạng thô, ít chế biến, do vậy giá trị gia tăng không cao. Dù vấn đề này đã được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp nhận thức rõ ràng nhưng để cải thiện lại không phải vấn đề có thể thực hiện trong ngày một, ngày hai.
Theo đại diện Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, một trong những hạn chế lớn của ngành nông sản là tổn thất của các sản phẩm sau thu hoạch cao, đối với hạt là từ 12%-15%, rau quả từ 25%-30%, các loại lương thực khác là từ 15%-20%, trong lĩnh vực chế biến, tỷ lệ tiêu hao nguyên liệu cao, tỷ lệ thu hồi sản phẩm thấp. Các sản phẩm nông sản khi bán chủ yếu chỉ được sơ chế, chỉ có 20%-30% tổng sản lượng nông sản được chế biến sâu, do vậy không mang lại giá trị hàng hóa cao. Công nghệ chế biến chủ yếu còn chưa theo kịp so với thế giới và so với các nước trong khu vực. Cộng hưởng với đó, nhiều doanh nghiệp sử dụng thiết bị chế biến còn lạc hậu, dây chuyền sản xuất chắp vá, không đồng bộ, dẫn đến làm hiệu suất làm việc không cao, gia tăng giá thành và làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm.
Hơn nữa cho đến nay, ngành nông sản chưa có được sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa khâu sản xuất với các khâu khác như chế biến và tiêu thụ. Điệp khúc “được mùa mất giá” diễn ra thường xuyên với tần suất ngày càng dầy hơn.
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 góp sức khắc phục điểm yếu cho ngành nông sản |
Trước bất cập trên, những năm qua, thông qua chương trình khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động nhằm góp phần nâng cao giá trị cho nông sản. Trong đó, hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất là hoạt động nổi bật. Riêng đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ phát triển ngành chế biến nông sản trên địa bàn một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc giai đoạn 2019 - 2020” được triển khai với quy mô lớn, hỗ trợ mang tính hệ thống đã để lại dấu ấn đáng kể trong sự đổi thay của ngành chế biến nông sản.
Theo đó, với nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất/sản phẩm mới, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 đã hỗ trợ Công ty TNHH sản xuất y học cổ truyền và đông dược Thế Gia (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) thực hiện mô hình sản xuất các sản phẩm từ chế biến nông sản; hỗ trợ Công ty TNHH nông sản xuất khẩu Tấn Phát (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) thực hiện mô hình sản xuất hàng nông sản xuất khẩu. Nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 đã hỗ trợ cho 3 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư máy móc tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gồm: Công ty CP Phát triển Phú Xuân (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình); Công ty TNHH Quý Thịnh (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) và Công ty TNHH Linh Thuận Văn Chấn (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng và đưa ra những giải pháp áp dụng các công nghệ chế biến nông sản tiên tiến cho các cơ sở CNNT trên địa bàn một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Theo ghi nhận chung, các nội dung hỗ trợ được thực hiện có tính hệ thống, xâu chuỗi đã giúp các cơ sở CNNT thụ hưởng phát triển đồng bộ, tạo tính liên kết ngành nghề, tăng khả năng tiếp cận thị trường, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm, đổi mới hệ thống trang thiết bị. Sự đồng hành của chương trình khuyến công quốc gia đã có tác động thúc đẩy sản xuất chế biến nông sản phát triển, gia tăng giá trị các mặt hàng nông sản. Thông qua các hoạt động tuyên truyền quảng bá, chương trình còn giúp mở rộng độ nhận biết cho sản phẩm nông sản chế biến trong nước.
Có thể thấy, chương trình khuyến công quốc gia đã tác động mạnh mẽ đến ngành chế biến nông sản. Các chương trình, đề án sau khi triển khai hầu hết phát huy tác dụng, doanh thu của doanh nghiệp qua các năm sau khi hỗ trợ đều tăng. Đồng thời, giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động, giúp các cơ sở CNNT ổn định nguồn lực lao động, tài chính để sản xuất và mở rộng đầu tư.