Đây là khẳng định của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu khi trao đổi về tình hình thị trường tài chính-ngân hàng hiện nay.
Phó Thống đốc NHNN nhận định, với vai trò là cơ quan điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua, NHNN đã tổ chức và điều hành chính sách tiền tệ, đóng góp quan trọng ổn định vĩ mô mà Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra.
NHNN cũng đã triển khai tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) cùng với chủ trương chung xác định chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sang chiều rộng và chiều sâu.
NHNN cũng đã trình Chính phủ đề án tái cơ cấu các TCTD, xử lý nợ xấu, đồng thời đưa ra lộ trình rõ ràng để tiếp tục thực hiện.
Trong 4 năm triển khai, hệ thống đã có cải thiện, tránh nguy cơ đổ vỡ hiện hữu năm 2011. Hệ thống các TCTD đã hoạt động hiệu quả hơn và sẽ là nhà đồng hành thân thiết của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Hồng hy vọng, các nhà ĐTNN hoàn toàn có thể yên tâm, tin tưởng vào hệ thống ngân hàng-tài chính Việt Nam trong thời gian tới, nhất là hiện nay Việt Nam đã có 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 4 ngân hàng liên doanh và 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động ổn định và hiệu quả.
Tuy thị trường tài chính của Việt Nam quy mô còn khiêm tốn, nhưng các cơ quan chức năng đang và sẽ tiếp tục có những chính sách thu hút đầu tư, bổ sung các quy định mới có tính chất “mở” và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Hiện Chính phủ cho phép nhà ĐTNN tham gia ngân hàng với giới hạn tối đa 15%, nhà đầu tư chiến lược tối đa 20%, tổng sở hữu tối đa của các nhà NĐTN 30%.
NHNN cũng đang tái cơ cấu ngân hàng và Chính phủ khuyến khích nhà ĐTNN tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, trường hợp này Chính phủ có thể cho phép sở hữu cao hơn.
Có cùng quan điểm, ông Lê Hải Trà, Phó Tổng giám đốc thường trực Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đang cố gắng nâng cấp tiêu chuẩn sang mức phát triển cao hơn. Tuy nhiên, hiện cũng có những hạn chế là vẫn còn ít các công ty lớn tham gia, tỷ lệ nguồn vốn tự do còn khiêm tốn.
Việc Chính phủ cũng có những cam kết sẽ nới lỏng hơn đối với các nhà ĐTNN trong lĩnh vực tài chính sẽ thu hút được nhà đầu tư hơn.
Đại diện một số nhà ĐTNN cũng kỳ vọng, Việt Nam giảm bớt các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tích cực nới lỏng chính sách với các ngành này.
Đồng thời phải tăng cường tính minh bạch, cung cấp nhiều thông tin đầy đủ hơn, từ đó, các nhà ĐTNN có được các mức giá “thực tế” hơn để tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp và ngân hàng.