Sữa non cô đặc kích trắng còn có tên là sữa non lạnh được nhiều chị em sử dụng
Trào lưu làm đẹp bằng…sữa non
Trên một số trang rao vặt, mạng xã hội, diễn đàn mua bán mỹ phẩm được quảng cáo có thành phần sữa non được rất nhiều chị em chào đón. Sữa non cô đặc hay sữa non kích trắng là từ khóa mà nhiều shop online hay những cửa hàng spa thổi cho nhiều công dụng, nhưng nổi bật nhất là loại mỹ phẩm này được quảng cáo đều là hàng nhập khẩu và có khả năng làm trắng da trắng sáng, không tỳ vết.. thành phần chính của các sản phẩm này là sữa non.
Theo tìm hiểu của PV tại một số cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm ở Hà Nội, sữa non cô đặc kích trắng da xuất hiện rất ít mà chủ yếu sản phẩm này được rao bán trên mạng thông qua các trang cá nhân, website mua bán. Người bán còn khẳng định sản phẩm sữa non cô đặc là mỹ phẩm được “săn lùng” nhiều nhất năm. Giá niêm yết cho mỗi bộ sản phẩm trắng da thần thánh như cách nói của người bán chưa đầy 1.500.000đ/bộ 5 gói.
Có rất nhiều topic về làm trắng da bằng sữa non trên các diễn đàn xã hội, bên cạnh những chia sẻ về tác dụng trắng da “siêu tốc” mà sản phẩm này mang lại thì cũng có ý kiến cho rằng, sữa non chỉ là cái “mác” còn công dụng làm trắng da tới 60% trong lần sử dụng đầu tiên thuộc về thành phần khác.
“Sữa non chỉ có công dụng làm mịn, dưỡng ẩm, hỗ trợ da trắng sáng chứ không thể trắng ngần đến thế kia mà chỉ trong 1 lần bôi. Mình nghĩ là hàng này sử dụng hóa chất làm trắng da”, thành viên trên diễn đàn WTT chia sẻ.
Không chỉ được gắn với tên tuổi một số hot gril, người đẹp trong showbiz để tăng thêm phần tin cậy cho khách hàng, mỹ phẩm sữa non cô đặc kích trắng da còn được người bán gắn cho nhiều công dụng, có thể che đi mọi khuyết điểm, sản xuất theo tiêu chuẩn spa, hiệu quả nhanh, không hóa chất tẩy trắng. Tắm sau một lần đảm bảo trắng 50-60%, rất an toàn vì hoàn toàn bằng thảo dược và sữa.
Tuy nhiên, sản phẩm sữa non cô đặc kích trắng da lại chỉ được đóng chai sơ xài, không ghi thành phần, hướng dẫn sử dụng. Nếu có thì chỉ ghi rất ít thông tin hướng dẫn cách dùng. “Sản phẩm không kích ứng da, không vàng lông, không phản ứng phụ, dùng được cho cả da em bé vì 100% từ thảo dược và sữa non”, người bán quảng cáo.
Sữa non cô đặc kích trắng còn có tên là sữa non lạnh được nhiều chị em sử dụng.
Đầu độc da bằng mỹ phẩm làm trắng
Theo ghi nhận tại các phòng khám da liễu và Bệnh viện Da liễu Trung ương, hầu hết các bệnh nhân đến khám bệnh vì tác hại của sản phẩm trắng da đều rất “lơ mơ” về công dụng của sản phẩm và cho biết, chỉ dưỡng da bằng các sản phẩm an toàn, nguồn gốc thiên nhiên, từ sữa.
“Sữa non làm trắng da chỉ là một tên gọi của kem làm trắng da, được phối chế dưới dạng trắng và sệt. Điều đáng lưu ý, trong các sản phẩm làm trắng da đều chứa các chất độc hại“ - TS Huỳnh Khánh Duy - Khoa Kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết. Theo TS Duy, việc làm sáng da được thực hiện qua ba cơ chế: ức chế hoạt động của tyrosinase, ức chế hình thành tyrosinase và giảm sự hình thành melanin - giúp trắng da.
Cũng theo TS Duy, hydroquinone được sử dụng khá phổ biến trong các sản phẩm làm trắng da (với nồng độ từ 2-4%). Chất này bị cấm sử dụng ở một số nước (EU cấm dùng hydroquinone trong mỹ phẩm từ 2001) do có nguy cơ gây ung thư bạch cầu. Một số sản phẩm làm trắng da có chứa thủy ngân. Việc sử dụng thủy ngân trong các sản phẩm làm trắng da đã bị cấm tại hầu hết các nước (1976 ở châu Âu, năm 1990 tại Mỹ) vì chất này tích tụ trên da, có thể gây ngộ độc thủy ngân mạn tính.
Ngoài ra, trong một số công thức mỹ phẩm làm trắng da, người ta có thể sử dụng titanium dioxide và kẽm oxide có tác dụng tạo cảm giác làm sáng da ngay lập tức (do các oxide kim loại này có màu trắng, khi thoa lên da sẽ che phủ bề mặt da, trông da trắng hơn), bảo vệ da khỏi tác động của ánh sáng mặt trời.
Về mức độ an toàn của sữa non được người bán khẳng định “ăn được”, TS Huỳnh Khánh Duy khẳng định: thành phần làm sệt trong sữa non có nguồn gốc từ sữa (protein của sữa là casein), nhưng sữa này không thể ăn được vì chứa các thành phần chỉ có thể sử dụng ngoài da. Nếu ăn vào có thể bị ngộ độc.
Theo BS Trần Nguyên Hà - Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung Bướu TP. HCM, việc lạm dụng tẩy trắng có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư da, trong đó có loại ung thư bướu ác hắc tố (malignant melanoma) - loại ung thư da dễ gây chết người hơn nhiều loại ung thư khác. Ngoài ra, thành phần trong các loại mỹ phẩm, nhất là mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có chứa các chất độc hại. Dùng các sản phẩm này có thể gia tăng nguy cơ ung thư gan, thận... ”.