Hội thảo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân phải tiến hành thường xuyên, lâu dài, kiên trì |
Chủ nghĩa cá nhân với những biểu hiện đa dạng, lúc tinh vi, kín đáo, khi lộ liễu trắng trợn, biến báo, khó lường, xuất hiện ở nhiều lúc, nhiều nơi, nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, cần phải nhận diện đúng thứ giặc nguy hiểm này.
Chủ nghĩa cá nhân hay còn gọi là cá nhân chủ nghĩa, chủ nghĩa cá thể là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một cách nhìn nhận trên phương diện xã hội, chính trị hoặc đạo đức trong đó nhấn mạnh đến lợi ích của mỗi cá nhân, sự độc lập của con người và tầm quan trọng của tự do và tự lực của mỗi cá nhân.
Chủ nghĩa cá nhân không tự nhiên sinh ra và tồn tại ở mọi xã hội mà nó chỉ nảy sinh và phát triển trong xã hội dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, ở đó còn tồn tại tình trạng người bóc lột người, khi giải quyết mối quan hệ về lợi ích thì luôn đặt quyền lợi của cá nhân lên trên hết. Hệ lụy của chủ nghĩa cá nhân mang lại là vô cùng nguy hại, bởi đó là nguồn gốc sâu xa dẫn tới sự suy thoái, biến chất, làm giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong Đảng.
Chủ nghĩa cá nhân đối lập với đạo đức cách mạng. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân nó sẽ “ngăn trở” người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, bởi “do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”.
Cách đây 65 năm, nhân kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng, với bút danh T.L., Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm báo chí “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên báo Nhân Dân, số 5409, ngày 3-2-1969. Trong tác phẩm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chủ nghĩa cá nhân chính là sự biểu hiện tập trung nhất của suy thoái đạo đức, lối sống, trở thành nguy cơ lớn đối với đảng cầm quyền. Chủ nghĩa cá nhân luôn hướng theo chủ nghĩa vị kỷ, tôn thờ “cái tôi”, coi nhẹ cái “chúng ta”, lấy mục tiêu “mọi người vì mình” làm mục đích sống, làm phương châm đối nhân xử thế.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có 10 loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân cần phòng chống, đó là bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh “hữu danh vô thực”; bệnh cận thị (biểu hiện là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tỵ nạnh; bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là “địch nội xâm” và “địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Đó là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. Chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân nó sẽ “ngăn trở” người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin cậy của dân với Đảng, cho nên: “chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”.
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp để nhận diện và đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân. Ngày 30/10/2016, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết 04/NQ-TW chỉ rõ 27 biểu hiệu cá nhân tự nhận diện sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng viên, trong đó có nhiều biểu hiện nhận diện về chủ nghĩa cá nhân như: Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng. Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức; kén chọn chức danh, vị trí công tác; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn.
Vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích. Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình.
Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực. Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…
Với những biểu hiện rất đa dạng, lúc tinh vi, kín đáo, khi lộ liễu trắng trợn, biến báo, khó lường, chủ nghĩa cá nhân xuất hiện ở nhiều lúc, nhiều nơi, nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, chủ nghĩa cá nhân được thể hiện rõ hoặc ”núp bóng” bởi các biểu hiện hoặc ”vỏ bọc” chủ yếu sau đây:
Một là, không quan tâm đến lợi ích chung, làm việc gì cũng chỉ mưu cầu cho lợi ích cá nhân; sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; ganh ghét, đố kị, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình.
Hai là, háo danh, tự cao, tự đại, thích được ca ngợi, sùng bái bản thân, tham vọng quyền lực, địa vị; chạy chức, chạy quyền, chạy thành tích, chạy tội, mua và sử dụng bằng cấp giả, giấy tờ giả; tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho mình.
Ba là, thiếu ý thức và trách nhiệm với tập thể, không chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác; đùn đẩy trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, không tận tâm, tận lực với công việc, không sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.
Bốn là, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; sợ trách nhiệm, tranh công, đổ lỗi; giấu diếm, bao che và không trung thực về những khuyết điểm, sai phạm.
Năm là, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, “thấy đúng không bảo vệ”, “thấy sai không đấu tranh”; tinh thần tự phê bình và phê bình thấp, lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ và mục đích không trong sáng; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức.
Sáu là, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để tham ô, nhận hối lộ hoặc để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình trục lợi; cố ý làm trái các quy chế, quy định, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Bảy là, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm để chiếm đoạt tài sản của tập thể; tham gia, xúi giục, cưỡng ép, mua chuộc người khác làm những việc trái chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Đảng, của các cơ quan, đơn vị.
Tám là, độc đoán, gia trưởng, quân phiệt, coi thường tập thể; buông lỏng lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, quan liêu, thiếu sâu sát; xử lý các sai phạm của cấp dưới không cương quyết, thiếu khách quan; thờ ơ, vô cảm, bàng quan trước những khó khăn, nguyện vọng chính đáng của đồng chí, đồng đội và nhân dân.
Chín là, coi thường lý luận, xa rời thực tiễn, lười học tập, rèn luyện, thích tự do, vô kỷ luật; hoang mang, dao động, hoài nghi về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái.
Mười là, phai nhạt, phản bội mục tiêu, lý tưởng cách mạng; nói, viết và làm không đúng nghị quyết, chỉ thị, quy định, nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Bài 2 : Gian nan cuộc chiến chống chủ nghĩa cá nhân