Kinh doanh bấp bênh, dòng tiền kẹt cứng, VSH liên tục vay tiền từ REE
Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cơ điện Lạnh (HOSE: REE) đã thông qua quyết nghị chấp thuận cấp khoản vay có kỳ hạn cho Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH) với số tiền tối đa 414 tỷ đồng.
Dự kiến, khoản vay cấp tốc này sẽ được VSH hoàn trả trong quý III/2024 hoặc sớm nhất là trong tháng 7 tới. Mục đích REE "bơm" tiền cho VSH là để nhà máy thủy điện tất toán khoản vay trước hạn tại Ngân hàng Raiffeisenlandesbank Oberosterreich (Áo). Sau đó, doanh nghiệp sẽ vay vốn bù đắp tài chính từ ngân hàng thương mại trong nước để hoàn trả nợ vay cho REE.
VSH là doanh nghiệp thủy điện lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán, tiền thân là nhà máy thuỷ điện Vĩnh Sơn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng và vận hành từ năm 1994 và được cổ phần hoá năm 2005. (Ảnh minh họa) |
Khoản vay từ ngân hàng nước ngoài nêu trên được VSH huy động từ tháng 3/2013 để thanh toán 80% nghĩa vụ thanh toán của doanh nghiệp theo Hợp đồng cung cấp thiết bị cơ điện cho Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum ký ngày 15/8/2012 với nhà thầu Andritz Hydro GmbH.
Trước đó vào cuối năm 2023 - đầu năm 2024, REE cũng đã hai lần chấp thuận cấp khoản vay tối đa lên tới 1.168 tỷ đồng cho VSH vay nhằm trả các khoản vay tại Ngân hàng ACB và HDBank, tuy nhiên, ngay sau đó VSH đã hoàn trả lại trong vài ngày.
Hiện tại, REE là công ty mẹ của VSH với tỷ lệ sở hữu là 52,58% vốn điều lệ, xếp sau là Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGenco 3) với 30,55% và quỹ ngoại Samarang Ucits - Samarang Asian Prosperity (Luxembourg) với 9,81%.
Được biết, VSH là doanh nghiệp thủy điện lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán, tiền thân là nhà máy thuỷ điện Vĩnh Sơn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng và vận hành từ năm 1994 và được cổ phần hoá năm 2005.
Đến nay, doanh nghiệp sở hữu 3 nhà máy thủy điện hoạt động ổn định với tổng công suất là 356MW, cung cấp sản lượng điện khoảng 2 tỷ kWh/năm vào lưới điện Quốc gia bao gồm: Thuỷ điện Thượng Kon Tum (220MW), Thủy điện Vĩnh Sơn (66MW), Thủy điện Sông Hinh (70MW).
Thời gian qua, VSH gặp một số rắc rối về dòng tiền khi hoạt động thu nợ tiền điện tại EVN bị chậm so với kế hoạch. Thời điểm cuối năm 2023, VSH vẫn chưa được thanh toán công nợ giữ lại năm 2022 hơn 221 tỷ đồng và công nợ năm 2023 gần 950 tỷ đồng.
Vấn đề này cũng khiến VSH phải lùi thời gian tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 2/2023 với tỷ lệ 20% (1 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng) từ ngày 22/3/2024 sang ngày 3/10/2024, do chưa cân đối được dòng tiền thanh toán.
Trước đó, ngày 31/1/2024, VSH đã chi hơn 236 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 với tỷ lệ 10%.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của VSH cũng gặp nhiều khó khăn, khi quý I/2024 chỉ ghi nhận doanh thu 350 tỷ đồng, giảm mạnh 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp thủy điện tiếp tục gánh thêm khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ còn phát sinh lãi chênh lệch tỷ giá đối với dư nợ khoản vay ngoại tệ, dù chỉ khiêm tốn.
Kết quả là lợi nhuận quý I/2024 đã "bốc hơi" tới 99,6%, từ 477 tỷ đồng xuống chưa đầy 1,8 tỷ đồng. Báo cáo với các cổ đông, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc VSH cho biết, tình hình thủy văn cuối năm 2023 và các tháng đầu năm 2024 tại khu vực miền Trung không thuận lợi so với cùng kỳ năm trước.
Lưu lượng nước về các hồ thấp hơn kế hoạch và trung bình nhiều năm đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất điện quý I/2024. Sản lượng điện thương phẩm giảm 209,79 triệu kWh so với cùng kỳ (tương ứng giảm 32,12%).
Năm 2024, VSH đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.966 tỷ đồng, giảm 24% so với thực hiện năm 2023 và lợi nhuận sau thuế hơn 505 tỷ đồng lãi ròng, giảm 49% so với thực hiện 2023. Như vậy, doanh nghiệp cần tập trung và nỗ lực hơn nữa ở các quý sau nếu muốn chinh phục kế hoạch đề ra.
Đối diện nhiều thách thức, nhưng cổ phiếu VSH trên sàn vẫn nhận được sự ủng hộ của nhà đầu tư. Kết thúc phiên giao dịch 27/6, mã VSH tăng 0,7% lên tròn 50.000 đồng/cp, tương đương vốn hóa thị trường 11.812 tỷ đồng. So với hồi đầu năm, cổ phiếu VSH đã tăng khoảng 20% giá trị.