Kinh doanh online “lên ngôi”
Doanh thu thương mại điên tử tăng 30%
Theo thống kê từ Bộ Công Thương và các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), năm nay, dù không có nhiều chương trình ưu đãi, kích cầu như những năm trước, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Tổng doanh thu trên các sàn TMĐT tháng đầu năm tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn cử, tất cả các sản phẩm bán tại siêu thị Co.opmart Hà Đông đều được đưa lên mạng xã hội zalo, facebook và website của doanh nghiệp. Lượng khách mua online tại thời điểm này tăng 20 - 25% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, các mặt hàng thực phẩm chế biến như cá kho, thịt kho, tôm rang... được tiêu thụ nhiều nhất.
Nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, hệ thống siêu thị Big C cũng tăng cường hình thức mua sắm online và giao hàng miễn phí với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên. Sau khi triển khai dịch vụ này, số đơn đặt hàng hàng qua điện thoại tăng mạnh với mức tăng trưởng trên 200% so với cùng kỳ năm trước. Còn tại VinMart, hệ thống siêu thị này đã chính thức triển khai tính năng “Đi chợ online” trên ứng dụng VinID, người dân có thể yên tâm ngồi tại nhà phòng dịch Covid và mua sắm online.
Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, tính đến hết ngày 17/2, doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp thương mại, hệ thống bán lẻ hiện đại trên địa bàn tăng 7 - 10% so với Tết Nguyên đán 2020. Trong đó, doanh thu bán hàng trực tuyến tăng 20 - 25%, chiếm 5 - 7%; tỷ trọng khách hàng thanh toán trực tuyến chiếm 10 - 20%, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao |
Đa dạng nguồn cung, hỗ trợ giao hàng
Tại một số sàn TMĐT, số lượng đơn hàng tăng khá mạnh trong tháng trước Tết Tân Sửu. Cụ thể, theo sàn Tiki, lượng giao dịch trong tháng 1 vừa qua tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Với nhu cầu mua hàng trên mạng ngày càng tăng của người tiêu dùng, các sàn TMĐT cũng nhanh chóng đa dạng hóa các sản phẩm. Shopee Việt Nam đã bổ sung nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm khô, thực phẩm chế biến hộp giúp người dùng dễ dàng tiếp cận mua sắm hàng hóa thiết yếu tại nhà, giảm thiểu việc tiếp xúc nơi đông người. Hay, Lazada vừa tung ra gian hàng online chuyên mặt hàng sữa bột với các cam kết về chất lượng và giá.
Các hệ thống siêu thị bán lẻ cũng tăng cường dịch vụ đặt hàng và giao hàng qua điện thoại, ship đến tận nhà. Đồng thời, tăng lượng hàng dự trữ hơn ngày thường từ 30 - 40%. Đại diện Công ty Cổ phần Sài Gòn Food thông tin, công ty đã tăng cường nhân viên xử lý đơn hàng nhanh; chuẩn bị thêm nhiều thùng xốp cách nhiệt, gel giữ đá… và triển khai đóng gói hàng hóa tại các trung tâm phân phối nhằm đáp ứng nhanh yêu cầu của khách hàng. Thời gian giao hàng trong khu vực nội thành rút ngắn tối đa là 90 phút.
Trong thời điểm dịch Covid-19 như hiện nay, việc mua bán qua kênh online là giải pháp để doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, người tiêu dùng yên tâm không lo ngại đến nơi đông người.nÔng Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng
Cục TMĐT & Kinh tế số (Bộ Công Thương): Việc mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến là nội dung nằm trong kịch bản đối phó dịch bệnh mà Bộ Công Thương đưa ra. Theo đó, Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp logistics, TMĐT, đề nghị tăng vận chuyển các đơn hàng trong mùa dịch từ hệ thống siêu thị tới người dân. Qua đó, hỗ trợ người tiêu dùng trong thời kỳ dịch bệnh. |