Kinh doanh trực tuyến "lên ngôi"
Theo anh Đinh Quốc Trụ - Chủ tiệm trà chanh trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), để chủ động phòng, chống dịch, người dân ít ra đường mua sắm, đặc biệt ăn uống ở bên ngoài, khiến doanh thu bán hàng trực tiếp tại cửa hàng của anh giảm 40%. Tuy nhiên, anh đã đẩy mạnh hơn kênh bán hàng trực tuyến, tích cực giới thiệu cửa hàng trên mạng xã hội, khuyến khích khách hàng thanh toán qua mạng, tăng dịch vụ giao hàng tận nơi.
"Hiện tại quán mình triển khai hình thức giao hàng miễn phí cho khách hàng đặt đồ về. Từ sau Tết, lượng khách hàng đặt mua về tăng lên so với trước. Bình thường lượng khách online của cửa hàng chiếm khoảng 20%, sau Tết tăng lên khoảng 30%. Trung bình 1 ngày giao khoảng 50 cốc" - anh Trụ chia sẻ.
Chủ một quán ăn trên phố Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ khi mở cửa trở lại sau nghỉ Tết, số lượng đơn hàng giao tận nhà tăng liên tục, có những ngày đơn hàng nhiều hơn cả mùa cao điểm trước Tết. Bên cạnh đó, những khách hàng thân quen cũng tăng cường đến mua về thay vì ngồi ăn trực tiếp tại quán.
Nhờ việc chuyển mình theo xu hướng mua hàng của "thượng đế" nên hầu hết các hàng quán vẫn kinh doanh ổn định. Các cửa hàng đã có biện pháp "sống chung" với dịch, thúc đẩy doanh số bằng nhiều cách khác nhau như: Miễn phí vận chuyển, khuyến mãi, giảm giá... Đồng thời, đảm bảo an toàn tại cơ sở kinh doanh bằng cách để nhân viên đeo khẩu trang y tế, trang bị dung dịch rửa tay sát khuẩn cho khách mua hàng và thường xuyên vệ sinh đồ đạc để khách hàng yên tâm mua sắm.
Trong khi đó, để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa qua kênh trực tuyến, đồng thời tạo thuận lợi cho người tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki… cũng hợp tác với các siêu thị triển khai nhiều chương trình khuyến mại cho người mua.
Trước đó, thông tin từ Bộ Công Thương cũng cho biết, việc mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến cũng là nội dung nằm trong kịch bản đối phó dịch bệnh mà bộ đưa ra. Theo đó, bộ đã làm việc với các doanh nghiệp logistics, thương mại điện tử, đề nghị tăng vận chuyển các đơn hàng trong mùa dịch từ hệ thống siêu thị tới người dân.
Tuy nhiên, với nhiều người tiêu dùng, mua sắm trực tuyến cũng có những hạn chế và bất tiện nhất định. "Mua hàng qua mạng không thể thử hay kiểm tra trực tiếp, nhiều khi chất lượng không được như mong muốn, nhưng trong lúc dịch bệnh diễn biến như hiện nay thì mua sắm trực tuyến vẫn là hình thức được ưu tiên, không có cách nào khác" - chị Trần Thanh Thảo (Hà Đông, Hà Nội) - chia sẻ.
Theo các chuyên gia, thời điểm này nhiều cơ sở, cá nhân đều tranh thủ chạy đua kinh doanh trực tuyến, do đó người tiêu dùng cần lựa chọn những cửa hàng, đơn vị vận chuyển uy tín, nâng cao cảnh giác trong việc tiết lộ thông tin cá nhân, kiểm tra hàng hóa khi giao nhận. |