Ứng phó “cơn bão” điều tra phòng vệ thương mại: Cần sự phối hợp của nhiều bên |
Số liệu thống kê của Cục PVTM cho biết, tính đến hết tháng 6/2021, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra 207 vụ việc PVTM đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu như sắt thép (chiếm 32% tổng số vụ việc), sợi (chiếm 8% tổng số vụ việc), nông sản, gỗ, lốp xe...
Riêng 6 tháng đầu năm, bên cạnh các vụ việc đã khởi xướng trước đó đang trong quá trình điều tra và các vụ việc rà soát hành chính hàng năm, rà soát cuối kỳ, Cục PVTM còn xử lý các vụ việc mới khới xướng, như: Úc điều tra chống bán phá giá (CBPG) ống đồng, Pakistan điều tra CBPG thép cán nguội, Phiippines điều tra CBPG xi măng, Ấn Độ điều tra CBPG pin năng lượng mặt trời, Hoa Kỳ điều tra CBPG mật ong, Thổ Nhĩ Kỳ điều tra CBPG sợi kéo dãn toàn phần.
Theo nhận định của Cục PVTM, trong giai đoạn hiện nay các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu nhanh, cạnh tranh với ngành sản xuất của nước nhập khẩu đều có thể trở thành đối tượng bị điều tra PVTM.
Công tác cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị điều tra PVTM sẽ được đẩy mạnh thời gian tới |
Trước tình hình trên, để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, theo Cục PVTM, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp liên quan triển khai các giải pháp ứng phó, xử lý hiệu quả với các vụ kiện PVTM nước ngoài như: Cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; tập huấn, tư vấn các vấn đề pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và hướng xử lý cho doanh nghiệp tham gia hợp tác, trả lời bản câu hỏi điều tra liên quan đến Chính phủ.
Đặc biệt, Bộ Công Thương thường xuyên thực hiện cảnh báo sớm nguy cơ bị kiện CBPG, đồng thời đấu tranh ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM. Trong đó, định kỳ hàng quý, Cục PVTM đều gửi danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị điều tra PVTM, điều tra lẩn tránh thuế PVTM cho các cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác.
Đáng chú ý, Cục PVTM cho biết, kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo (tháng 7/2019) tới nay, đã có các sản phẩm nằm trong danh sách bị điều tra PVTM, điều tra chống lẩn tránh PVTM, cụ thể: sản phẩm gỗ dán cứng, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong do Hoa Kỳ điều tra; sản phẩm thép chống ăn mòn (thép CORE và thép CRS) do Hoa Kỳ và Canada điều tra.
Cùng với việc đẩy mạnh cảnh báo sớm, Cục PVTM còn thường xuyên phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai kiểm tra thực tế các trường hợp nghi ngờ lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ. Phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động cung cấp thông tin cho các đối tác thương mại lớn (như Hoa Kỳ, EU) về công tác phòng chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ và trao đổi với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ về đề xuất xây dựng cơ chế cung cấp thông tin, phối hợp giữa hai bên trong quá trình đấu tranh với hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ.
Đồng thời, Bộ Công Thương còn tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về phòng chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Tích cực cung cấp thông tin, khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp không tiếp tay cho các doanh nghiệp có ý định, hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ Việt Nam, lẩn tránh biện pháp PVTM.
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục PVTM - nhấn mạnh, với sự tích cực, chủ động trong việc ứng phó các với các vụ việc điều tra, nhờ đó, trong một số vụ việc, các nước đã chấm dứt điều tra, không áp thuế hoặc áp thuế PVTM thấp đối với doanh nghiệp Việt Nam so với doanh nghiệp của các nước khác cùng bị điều tra.
Điển hình phải kể tới các vụ việc có kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm như Hoa Kỳ không áp thuế CBPG đối với các doanh nghiệp lớn xuất khẩu lốp xe ô tô, cá tra - basa của Việt Nam; Ấn Độ chấm dứt điều tra CBPG ván gỗ MDF, không áp thuế CBPG với xơ sợi staple nhân tạo của Việt Nam; Malaysia chấm dứt điều tra CBPG nhựa PET của Việt Nam; Úc kết luận sơ bộ ống thép chính xác của Việt Nam không bán phá giá và không nhận trợ cấp; Indonesia không áp dụng biện pháp CBPG đối với tôn lạnh Việt Nam; Canada chấm dứt điều tra trợ cấp đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu ghế bọc đệm của Việt Nam...
Nhìn nhận về các kết đạt được từ công tác ứng phó với các vụ việc PVTM do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, theo ông Chu Thắng Trung là đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững các thị trường xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh cho các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.
Dự báo thời gian tới các nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, ngành sản xuất trong nước của Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia đều gặp khó khăn, vì vậy khối lượng công việc về PVTM trong các tháng cuối năm 2021 sẽ nhiều hơn và nặng nề hơn.
Trước tình hình đặt ra, theo kế hoạch 6 tháng cuối năm, đại diện Cục PVTM cho biết, Cục sẽ: Tiếp tục xử lý các vụ việc PVTM đang bị điều tra, rà soát; nghiên cứu, đề xuất định hướng xử lý các vấn đề có thể mang lại hệ quả không tốt trong tương lại, như tình hình thị trường đặc biệt, các cáo buộc về trợ cấp hay các vấn đề mới như định giá thấp tiền tệ. Tiếp tục xử lý vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO mà Việt Nam đã khởi kiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất cá tra - basa trong nước (DS536). Tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động cảnh báo sớm, phòng chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp một cách có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường quản lý nhà nước nhưng vẫn đảm bảo thuận lợi hóa thương mại cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Cục PVTM sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến, đào tạo, nghiên cứu về PVTM. Trong đó, tiếp tục xây dựng hoàn thiện trang thông tin điện tử của Cục, duy trì bản tin điện tử, cảnh báo sớm hàng tuần, các báo cáo PVTM hàng tháng/hàng quý. Tiếp tục cập nhật Danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra PVTM, lẩn tránh thuế; Thực hiện khảo sát năng lực khởi kiện, kháng kiện của doanh nghiệp trong các ngành hàng trọng điểm. Triển khai các hoạt động nhằm tăng cường năng lực PVTM cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do; Hoàn thành hệ thống cảnh báo sớm các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị kiện PVTM.