Cảnh tan hoang sau cơn bão ở miền nam nước Mỹ
CôngThương - Giao thông hỗn loạn, dịch vụ viễn thông bị gián đoạn, cây cối, cột điện đổ ngổn ngang và hàng nghìn nhà cửa bị tan hoang. Đó là những gì do bão và lốc xoáy để lại sau khi càn quét qua 6 bang ở miền nam nước Mỹ.
Thống đốc các bang Mississippi, Georgia và Tennessee đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong bang của mình, còn Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại bang Alabama, đồng thời phê duyệt cứu trợ cho bang này.
Một nhân viên của cơ quan cứu trợ Mỹ cho biết lực lượng cứu hộ và người dân bang Alabama hiện đang tìm kiếm người thân trong đống đổ nát. Nhiều người dân ở bang này cho rằng, sức tàn phá của cơn bão này còn khủng khiếp hơn siêu bão Katrina năm 2005, và đây có thể là thiên tai tồi tệ nhất trong 4 thập niên qua.
Liên quan tới kinh tế Mỹ, theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ hôm qua, tăng trưởng GDP quý 1 của nền kinh tế đầu tàu thế giới ở mức 1,8%, thấp hơn đáng kể so với mức 3,1% trong quý 4/2010, do chi tiêu tiêu dùng, chi tiêu công và địa ốc giảm sút.
Chi tiêu tiêu dùng tăng 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức 4% trong tháng trước. Trong quý vừa qua, lĩnh vực này đã đóng góp 1,9% vào tăng trưởng GDP. Trong khi đó, chi tiêu công giảm 5,2%, mạnh nhất kể từ quý 4/1983.
Tuy nhiên, lạm phát, thể hiện qua chỉ số chi tiêu tiêu thụ cá nhân, lại tăng mạnh. Chỉ số này tăng tới 3,8% trong quý 1, mức mạnh nhất kể từ quý 3/2008. Chỉ số chi tiêu tiêu thụ cá nhân cơ bản cùng quý tăng 1,5%, mạnh nhất kể từ quý 4/2009, gần gấp 4 lần so với quý 4/2010.
Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ công bố, số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua bất ngờ tăng thêm 25.000 người lên 429.000, cao nhất trong 3 tháng, ngược hẳn với dự báo giảm xuống 395.000 người của giới phân tích.
Hôm qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra nhận định rằng, châu Á sẽ tiếp tục dẫn dắt đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian 2 năm tới, bất chấp việc khu vực này phải đối mặt với nhiều nguy cơ như lạm phát tăng cao, thiên tai ở Nhật và tình hình căng thẳng tại Trung Đông.
Theo ông Anoop Singh, Giám đốc bộ phận châu Á - Thái Bình Dương của IMF, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa là hai yếu tố giúp khu vực này tăng trưởng mạnh, với mức dự báo khoảng 7%. Kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ đà đi lên của kinh tế châu Á.
Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo nguy cơ tăng trưởng nóng trong toàn khu vực, trước việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,5% trong tháng 2. Giá năng lượng và lương thực tăng cao đã đẩy lạm phát leo thang, tác động tới người nghèo. Ngoài ra, lãi suất thấp ở nhiều nước châu Á cũng khiến lạm phát phi mã.
Liên quan tới kinh tế Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) hôm qua đã nâng dự báo tăng trưởng GDP và lạm phát năm 2011, 2012 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. WB cho rằng, Trung Quốc vẫn cần phải thận trọng trước các rủi ro từ cú sốc giá hàng hóa toàn cầu.
Cụ thể, WB nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2011 của Trung Quốc từ 8,7% lên 9,3% và năm 2012 từ 8,4% lên 8,7%. Mức tăng trưởng mạnh hơn dự báo trong quý 4/2010 và quý 1/2011 là cơ sở để WB điều chỉnh dự báo GDP của Trung Quốc.
WB cũng nâng dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 và 2012 của Trung Quốc lên 5% và 3,4%. Tuy nhiên, theo tổ chức này, đà tăng giá hàng hóa ở nền kinh tế châu Á này sẽ chậm dần lại trong vòng 12 tháng tới và khiến lạm phát suy yếu.
Về kinh tế Nhật Bản, sau cuộc họp chính sách hôm qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ, dù hạ thấp ước tính tăng trưởng và dự báo nền kinh tế đã rơi vào suy thoái vào đầu năm nay
BOJ cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP năm tài chính hiện tại xuống 0,6% từ mức 1,6% được đưa ra cách đây 3 tháng. Tuy nhiên, BOJ dự báo đà tăng trưởng của nền kinh tế sẽ tăng tốc lên 2,9% cho năm tài khóa tiếp theo.
Thống đốc BOJ Masaaki Shirakawa cho rằng, cơ quan này cần thời gian để kiểm tra tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ công bố hồi tháng trước đối với nền kinh tế. Tại cuộc họp, Phó thống đốc Kiyohiko Nishimura bất ngờ đề xuất BOJ mở rộng chương trình mua tài sản thêm 5.000 tỷ Yên. Đề xuất này đã bị phản đối.