Chưa được khai thác và sử dụng theo hướng đa mục đích
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), các tỉnh trung du miền núi phía Bắc gồm 17 tỉnh có tổng diện tích rừng là trên 5,731 triệu ha, chiếm 39,6% tổng diện tích rừng toàn quốc; trong đó, rừng tự nhiên khoảng 3,962 triệu ha, diện tích rừng trồng là 1,796 triệu ha. Tính đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng vùng Trung du miền núi phía Bắc khoảng 52,6%. Những năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc là ngành hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho hay, phát triển kinh tế lâm nghiệp tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. Đó là xây dựng vùng gỗ rừng trồng với diện tích và năng suất cao nhất cả nước tại Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh; vùng lâm đặc sản như quế tại Yên Bái, Lào Cai; vùng trồng hồi tại Lạng Sơn, Quảng Ninh; vùng trồng dược liệu tại Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu…. Bước đầu hình thành vùng chế biến lâm sản tại các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái....
Với sự đa dạng về tài nguyên rừng, địa hình, khí hậu, văn hóa… các tỉnh trung du miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế dưới tán rừng như: cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ; các giá trị dịch vụ môi trường rừng gồm cung ứng điều hòa nguồn nước, đa dạng sinh học, hấp thụ các bon, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, những tiềm năng này vẫn chưa được khai thác sử dụng theo hướng đa mục đích. Diện tích rừng trồng mặc dù trữ lượng gỗ lớn, nhưng số lượng cơ sở chế biến sâu còn ít. Chi phí vận chyển logistics tăng, giảm giá trị cạnh tranh.
Lâm sản ngoài gỗ đã hình thành một số vùng trồng nguyên liệu tập trung như quế, hồi với diện tích và sản lượng lớn và các loài lâm sản ngoài gỗ khác (dược liệu)… nhưng còn manh mún, thiếu quy hoạch, sản lượng thấp, thiếu các cơ sở chế biến đảm bảo chất, chế biến sâu. Thiếu các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm tinh chế có giá trị giá tăng cao mà chủ yếu là các sản phẩm thô.
Là khu vực có nhiều hệ sinh thái rừng đặc trưng, đa dạng sinh học cao, gắn với đa dạng về văn hóa, bản sắc của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, du lịch sinh thái trong rừng còn hạn chế và chưa thu hút được khách du lịch. Chưa tạo được nguồn thu cho các chủ rừng.
Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, nhờ có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, mỗi năm, các tỉnh khu vực Tây Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La thu được nguồn kinh phí lớn từ các nhà máy thủy điện để bảo vệ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, còn nhiều dịch vụ khác vẫn chưa được khai thác như: dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt, nước công nghiệp; hấp thụ CO2.
Việc sử dụng hệ sinh thái rừng còn rất đơn lẻ, chưa chú trọng theo hướng đa mục đích, đa giá trị. Do vậy, chưa khai thác được hết các tiềm năng, giá trị nhiều mặt của rừng, đặc biệt là các sản phẩm gắn với đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Xác định phát triển rừng bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đến nay, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Lai Châu đạt gần 51%, mang lại lợi ích lớn về môi trường, nguồn nước và thu nhập từ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng cho người dân. Bên cạnh đó, Lai Châu cũng đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng thông qua phát triển kinh tế tập trung với các loại cây có giá trị kinh tế cao như cao su 13.000 ha, quế 8.000 ha, mắc ca hơn 5.000 ha. Nhiều loại dược phẩm quý hiếm có giá trị như sâm Lai Châu, tam thất, hà thủ ô, nhân sâm... cũng được tỉnh phát triển.
Tuy nhiên, theo bà Giàng Páo Mỷ - Bí thư tỉnh ủy Lai Châu, những kết quả đạt được trong bảo vệ, phát triển rừng và kinh tế rừng của khu vực trung du miền núi phía Bắc nói chung và của tỉnh Lai Châu nói riêng còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của vùng. Nguồn lợi từ phát triển kinh tế dưới tán rừng rất lớn xong chưa có hành lang pháp lý đầy đủ cho phát triển và triển khai thực hiện. Mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng còn nhỏ lẻ, tự phát và chưa được nhân rộng. Sản phẩm khai thác từ rừng có nhưng khó truy xuất nguồn gốc và thiếu các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Việc liên kết sản xuất, tạo sản phẩm có quy mô lớn còn khó khăn. Thiếu sức hấp dẫn và chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đa số người chưa có sinh kế bền vững với việc khai thác nguồn lợi từ rừng để có thể sinh sống bằng nghề rừng, làm giàu từ nghề rừng.
Cần hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế dưới tán rừng
Tại Hội nghị, các địa phương đều nhận định, hiện nay việc phát triển kinh tế dưới tán rừng khu vực trung du miền núi phía Bắc còn gặp một số khó khăn do chính sách về phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng chưa được triển khai đồng bộ và triệt để. Việc nghiên cứu khoa học chưa áp dụng nhiều vào thực tiễn, chưa thương mại hóa thành sản phẩm lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng từ các công trình nghiên cứu. Chưa áp dụng đúng mức thành tựu của khoa học, công nghệ vào việc hiện đại hóa sản xuất thuốc từ dược liệu. Chưa có quy hoạch tổng thể để bảo tồn, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng bền vững....
Kinh tế dưới tán rừng: Tiềm năng còn bỏ ngỏ |
Để kinh tế dưới tán rừng phát triển, đáp ứng với yêu cầu đổi mới của đất nước, tương xứng với tiềm năng của rừng và đất rừng đặc biệt đối với những tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đổi mới tổ chức quản lý ngành, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về lâm nghiệp từ Trung ương đến địa phương, cải cách hành chính và đổi mới chính sách phù hợp, kịp thời đảm bảo cho người dân ở trong và gần rừng thu nhập ổn định từ diện tích đất lâm nghiệp của mình. Khẩn trương hoàn thành việc qui hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia. Lập phương án kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp chi tiết, cụ thể đến cơ sở theo chức năng của từng loại rừng. Rà soát thực hiện việc giao đất gắn với giao rừng để cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài để mọi người dân sống gần rừng có đất sản xuất, đảm bảo cuộc sống.
Đại diện Sở NN&PTNT Bắc Kạn đề nghị Bộ NN&PTNT ban hành hướng dẫn cụ thể đối với việc thực hiện các mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng tự nhiên để làm cơ sở triển khai thực hiện. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho tỉnh Bắc Kạn được hưởng các chính sách, các chương trình dự án hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.
Trước kiến nghị của các địa phương, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – cho biết, Bộ sẽ quan tâm tháo gỡ những vấn đề về thể chế và có chương trình, đề án riêng về phát triển dưới tán rừng cho vùng trung du miền núi phía Bắc, không để bà con phát triển một cách tự phát. Bên cạnh đó, kích hoạt tất cả các giá trị kinh tế dưới tán rừng dựa trên 3 trụ cột: tài nguyên bản địa, tinh hoa dân tộc và tinh hoa sáng tạo. Đồng thời đề nghị các địa phương phải khai thác có kiểm soát, có chương trình, không làm mất đi giá trị hiện hữu của rừng. Cùng đó, tạo thêm nguồn lực kinh tế dưới tán rừng thành một chuỗi ngành hàng, tích hợp giữa du lịch sinh thái, du lịch miền núi nhằm tạo thu nhập cho bà con.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện nay, ngoài dịch vụ cung cấp gỗ, lâm sản, Việt Nam đang triển khai 4/5 loại dịch vụ môi trường rừng. Ước các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái rừng năm 2020 thu được khoảng 38.938 tỷ đồng trong đó dịch vụ cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ là 33.400 tỷ đồng; dịch vụ môi trường rừng 2.541 tỷ đồng, dịch vụ hấp thụ và lưu trữ cacbon 975 tỷ đồng và du lịch sinh thái 2.022 tỷ đồng |