Kinh tế phục hồi hỗ trợ chứng khoán nửa cuối năm 2024
Nửa đầu năm 2024 đã chứng kiến nhiều biến động trên thị trường chứng khoán toàn cầu do tác động của các yếu tố kinh tế và địa chính trị. Những chính sách tài khóa và tiền tệ từ các ngân hàng trung ương lớn cùng với sự phục hồi kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến xu hướng đầu tư.
Từ đầu năm, giới chuyên gia dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 6-6,5% trong năm 2024, được thúc đẩy bởi sự phục hồi của xuất khẩu và lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó lĩnh vực sản xuất công nghiệp có thể tăng trưởng 8-9%. Thực tế cho thấy, hoạt động xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng tích cực trong 5 tháng đầu năm 2024, trong đó xuất khẩu tăng 14,9% và công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo VinaCapital, tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ tích cực hơn nữa. Sự phục hồi của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp sẽ có tác động tích cực đến thu nhập người dân và tạo đà cho tiêu dùng nội địa trong nền kinh tế. Sự phục hồi của nền kinh tế được kỳ vọng cũng sẽ lan tỏa tích cực đến tâm lý trên thị trường chứng khoán.
Động lực tăng trưởng chứng khoán nửa cuối năm
Đối với TTCK, VinaCapitalcho rằng động lực tăng trưởng sẽ đến từ mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực và định giá tương đối hấp dẫn. Dự kiến, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong danh mục cổ phiếu theo dõi của VinaCapital - đại diện cho 95% vốn hóa của VN-Index - sẽ tăng trưởng khoảng 18% trong năm 2024.
Về mặt định giá, cổ phiếu trên TTCK Việt Namcũng đang ở mức “tương đối hấp dẫn”. Với mức tăng trưởng lợi nhuận như trên, VinaCapital tính toán P/E dự phóng của VN-Index đang ở mức khoảng 11,6 lần cho năm 2024 (ở thời điểm 11/06), thấp hơn khoảng gần 10% so với mức định giá bình quân của các nước ASEAN-5 (Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan).
“Mức định giá này góp phần làm tâm lý thị trường không bị biến động quá lớn, do các cơ hội đầu tư với mức định giá hấp dẫn vẫn còn rất nhiều”, chuyên gia VinaCapital nêu.
Bên cạnh đó, các yếu tố hỗ trợ TTCK Việt Nam dài hạn còn có sự ổn định về kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước, sự gia tăng về thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi các tập đoàn đa quốc gia đang áp dụng chiến lược Trung Quốc + 1, và khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong 2-3 năm tới.