Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh: Khẳng định vị thế đầu tàu
Giai đoạn tới, dù còn đối mặt với khó khăn song kinh tế thành phố được nhận định vẫn còn dư địa để phát triển.
Phục hồi nhanh và khá toàn diện
Theo Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, sau gần một năm nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức, TP. Hồ Chí Minh đã tập trung tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực thuế, đất đai, đầu tư công, cấp phép dự án… Nhờ đó, kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã phục hồi nhanh và khá toàn diện. Theo dự báo, đến cuối năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) có thể tăng trên 9%, vượt xa chỉ tiêu đề ra trong năm là từ 6% - 6,5%.
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao |
Đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của kinh tế thành phố là các ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, lĩnh vực công nghiệp chính là “điểm sáng” của kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong năm 2022 dự kiến tăng trưởng hơn 17%. Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước năm 2022 ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so cùng kỳ năm 2021, trong khi cùng kỳ năm 2021 giảm 1,0%.
Với những kết quả tích cực trên, trong lần làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh hồi cuối tháng 11/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhận xét: “TP. Hồ Chí Minh đã góp phần rất quan trọng vào thành quả chung của cả nước, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”.
Có thể thấy, bức tranh kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh đã đạt được hơn nhiều so với kỳ vọng. Thành phố đã lấy lại được điều kiện bình thường của đời sống kinh tế trước dịch, đặc biệt là sự vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh kết quả đạt được, thành phố cũng đã đang và sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều chủ trương, nhiệm vụ đã được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu, nhất là giải ngân vốn đầu tư công, công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, nhà ở cho công nhân… Ngoài ra, thực trạng vấn đề mới phát sinh liên quan đến tình hình tài chính, tiền tệ, trái phiếu, chứng khoán, bất động sản, cung ứng xăng dầu… khiến thành phố đối diện không ít khó khăn.
Còn dư địa để phát triển
Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh (HIDS) cũng đưa ra 3 kịch bản dự báo về tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong năm 2023. Trong đó, với kịch bản cơ sở, tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt ở mức 7,5%, dự báo từ 6,94% – 8,1%. Kịch bản bất lợi, tăng trưởng đạt 7,03%, dự báo từ 6,47 – 7,59%. Kịch bản thuận lợi, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 8,08%, dự báo từ 7,52% – 8,64%. Theo HIDS, cả 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2023 được xây dựng với giả định các yếu tố tác động tăng trưởng ở góc độ tổng cung, tổng cầu và phân tích năng lực nội tại của địa phương.
Sản xuất công nghiệp là điểm sáng của kinh tế TP. Hồ Chí Minh |
Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2023, chính quyền thành phố cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng, ổn định việc làm, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn đặc thù, các nguồn vốn đầu tư thông qua nâng cao trách nhiệm của bộ máy hành chính công các cấp…
Trong đó, theo chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch: Những vấn đề trọng tâm của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2023 là, vận dụng thực thi có hiệu quả chính sách tài chính tiền tệ của Chính phủ vào thực tiễn; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để hấp thụ nhanh nguồn vốn đầu tư thông qua việc nâng cao trách nhiệm công vụ của bộ máy hành chính các cấp; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm và tạo chuyển biến mạnh mẽ chuyển đổi số.
Đặc biệt, năm 2023, dự kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ giao kế hoạch đầu tư công cho TP. Hồ Chí Minh khoảng 55.000 tỷ đồng. Vì thế một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của thành phố là đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn các dự án bố trí nhiều vốn nhưng không giải ngân hết, không có khả năng tiếp tục triển khai. Song song với đó, rà soát và bổ sung vào trung hạn những dự án trọng điểm, cấp bách khác có đủ điều kiện triển khai, bảo đảm tính khả thi có thể giải ngân vốn trong năm 2023.
Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi: Từng chủ đầu tư, quận, huyện phải rà soát lại nhiệm vụ đầu tư công trên địa bàn, nơi nào còn vướng thì phải trực tiếp tháo gỡ. Đây cũng sẽ là chủ đề hành động của TP. Hồ Chí Minh trong năm 2023