Kinh tế tuần hoàn tiên phong: 'Chìa khóa' để phát triển bền vững
Ngày 1/11, tại TP. Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net zero (Green Media HUB) và Báo Tài nguyên & Môi trường đã tổ chức Hội thảo Chuyên đề “Vai trò của lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững”.
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp đã chia sẻ những mô hình kinh tế tuần hoàn tiên phong tại Việt Nam với những lợi ích to lớn.
Bà Trần Ngọc Ánh - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam chia sẻ, cùng Chính phủ ứng phó với biến đổi khí hậu, Heineken Việt Nam đặt mục tiêu hướng đến tác động môi trường bằng 0 vào năm 2030 với các biện pháp giảm thiểu phát thải ròng, tối đa hóa kinh tế tuần hoàn và bảo tồn nguồn nước.
Bà Trần Ngọc Ánh - Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
“Chúng tôi tiên phong sử dụng 96% năng lượng tái tạo trong sản xuất, đồng thời hoàn thành chỉ tiêu nấu bia bằng nhiệt năng sinh khối tại toàn bộ 6 nhà máy bia trên toàn quốc. Trong khi chờ các giải pháp về năng lượng tái tạo, Heineken Việt Nam đã mua các Chứng chỉ thuộc tính năng lượng (EAC) cho 100% lượng điện năng tiêu thụ tại 6 nhà máy. Toàn bộ 6 nhà máy Heineken Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn "tái sử dụng - chia sẻ - sửa chữa", không còn rác thải chôn lấp từ năm 2021, sớm hơn 4 năm so với dự kiến ban đầu”, bà Ánh cho biết.
Việc kiên định với chiến lược phát triển bền vững đã giúp Heineken Việt Nam 8 năm liền nằm trong top 3 doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam.
Theo bà Ánh, tham vọng của Heineken Việt Nam không chỉ trong sản xuất mà còn trong chuỗi giá trị. Bởi hoạt động phát triển bền vững không thể tạo ra tác động mạnh mẽ khi thực hiện một mình. Vì vậy, tất cả các doanh nghiệp cần sự chung tay và đồng hành của các bên. Và các cơ quan báo chí giúp kết nối, chia sẻ các thông lệ tốt, các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ.
Với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), là đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu chiếm thị phần lớn nhất cả nước nên việc lựa chọn sản phẩm kinh doanh của Petrolimex có vai trò lớn, tác động đến lượng khí thải ra môi trường. Ý thức được điều này, Petrolimex tiên phong trong việc tuân thủ quy định của Chính phủ trong lựa chọn các sản phẩm sạch, thân thiện môi trường như hoàn thành thay thế toàn bộ sản phẩm xăng RON 92 bằng xăng sinh học E5 và chính thức trở thành doanh nghiệp tiên phong kinh doanh xăng RON95 tiêu chuẩn khí thải mức 5 tại Việt Nam từ tháng 1/2022.
Chiến lược phát triển Petrolimex giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035 đặt mục tiêu đưa Petrolimex trở thành Tập đoàn năng lượng đứng đầu Việt Nam về những sản phẩm năng lượng xanh, sạch, chất lượng cao, thân thiện với môi trường dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số toàn diện. Phấn đấu đạt được 50% doanh thu từ sản phẩm nhiên liệu và năng lượng sạch, thân thiện với môi trường vào năm 2030, đến năm 2045 sẽ đạt 100% tỷ trọng năng lượng sạch và thân thiện với môi trường.
Các chuyên gia, doanh nghiệp tham dự Hội thảo “Vai trò của Lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững”. Ảnh: Nguyễn Ngọc |
Đối với Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), đơn vị này cũng đã đưa ra những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn trong các chiến lược giảm phát thải bao gồm: Phấn đấu đạt tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15 - 20% vào năm 2030 và 25 - 30% vào năm 2045; giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng đạt 15% năm 2030 và 20% năm 2045; năng lực nhập khẩu LNG đạt 8 tỷ m3/năm 2030 và 15 tỷ m3/năm 2045...
Để thực hiện được các mục tiêu này, Petrovietnam đã và đang xây dựng chiến lược tổng thể phát triển bền vững đến năm 2045, trong đó chú trọng vào đổi mới công nghệ và chuyển dịch năng lượng với một số nhiệm vụ, giải pháp chính như: Tăng cường triển khai công tác thăm dò khai thác và phát triển mỏ nhằm tận dụng được lợi thế về thời gian để tận thu tối đa nguồn năng lượng hóa thạch; tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển liên kết bền vững, kết nối các lĩnh vực/đơn vị thành viên, tận dụng thế mạnh về năng lực, công nghệ và hạ tầng của Petrovietnam và các đơn vị thành viên để triển khai một cách hiệu quả các dự án chuyển dịch năng lượng, nâng cao nội lực Petrovietnam, phục vụ phát triển ngành năng lượng.
Giai đoạn 2025 – 2030, Petrovietnam sẽ triển khai thí điểm các dự án sản xuất hydrogen “sạch”; tìm kiếm các nguồn tài chính để đẩy mạnh phát triển các dự án năng lượng sạch; tìm kiếm khách hàng có nhu cầu trong nước và khu vực để phát triển thị trường; cải hoán hạ tầng vận chuyển, xử lý, tồn trữ, phân phối khí.
Giai đoạn 2030 - 2045, tập đoàn này sẽ sản xuất thương mại hydrogen “sạch” sử dụng cho các nhà máy lọc dầu, nhà máy đạm và phát triển các dự án sản xuất nhiên liệu, nguyên vật liệu và xuất khẩu hydrogen “sạch” cho các thị trường trong khu vực và thế giới
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi xanh từ năm 2018 theo định hướng phát triển của Chính phủ cũng như từ việc đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu thông qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Cũng như các doanh nghiệp dệt may của các nước khác, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã áp dụng chứng chỉ LEED (Leadership in Energy & Environment Design). Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa thực hiện việc đánh giá và công nhận chứng chỉ này do chi phí cao (chiếm 10-15% chi phí). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam (gần 1.000) cũng đã áp dụng Higg FEM - Facility Environmental Module (Mô-đun Môi trường Cơ sở Higg) được xây dựng bởi Liên minh May mặc Bền vững (SAC) tiếp nối là Cascale- cũng là một bộ tiêu chuẩn giúp đánh giá một nhà máy dệt may ở khía cạnh môi trường.
"Việt Nam hiện là quốc gia có thứ hạng cao thứ hai về điểm trung bình quốc gia v-Higg FEM (Higg FEM 2022) đứng sau Trung Quốc và trước Bangladesh. Những kết quả mà ngành dệt may Việt Nam đã đạt được trong những năm gần đây về kim ngạch xuất khẩu với sự tăng trưởng đáng ghi nhận (8-10%/năm) đã chứng minh được chiến lược phát triển đúng đắn", ông Tuấn nhận định.
Bà Chu Kim Thanh - Giám đốc Vận hành PRO Việt Nam đánh giá, vai trò của truyền thông là vô cùng quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng. Cụ thể, trong những năm gần đây, nhờ công tác truyền thông mà có thể thấy rõ sự thay đổi nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp cũng như trong cộng đồng dân cư về EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), sản xuất xanh, về phân loại rác tại nguồn, tiêu dùng xanh.
Tuy vậy, bà Kim Thanh cho rằng, để cộng đồng doanh nghiệp thấy việc chuyển đổi xanh hay việc thực thi EPR là một sự đầu tư cho chuỗi cung ứng của tương lai, là cơ hội để tham gia các sân chơi lớn hơn thì báo chí và các cơ quan truyền thông phải vào cuộc mạnh mẽ hơn.
Theo đó, ngoài chuyện tuyên truyền các quy định chính sách, các cơ quan truyền thông phải khai thác sâu hơn ý nghĩa của các chính sách này, phân tích các cơ hội khi thực hiện và các nguy cơ nếu không tham gia cũng như chia sẻ câu chuyện của các doanh nghiệp thành công để tạo cảm hứng và niềm tin cũng như để các doanh nghiệp chưa bắt đầu học hỏi kinh nghiệm và cách triển khai…