Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại buổi gặp gỡ báo chí để cung cấp thêm thông tin về Hiệp định EVFTA và EVIPA, diễn ra chiều 4/7 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại buổi gặp gỡ báo chí để cung cấp thêm thông tin về Hiệp định EVFTA và EVIPA |
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, để đi vào thực thi 2 Hiệp định này cần phải trình Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Chính phủ Việt Nam và Ủy ban châu Âu đều hy vọng tiến trình phê chuẩn 2 hiệp định sẽ diễn ra suôn sẻ ở cả Việt Nam và EU.
Trong những ngày tới, Bộ Công Thương sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành chuẩn bị bộ hồ sơ trình phê chuẩn 2 Hiệp định. “Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định phân công cụ thể, nhưng nhiều khả năng Bộ Công Thương sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị bộ hồ sơ trình phê chuẩn EVFTA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chịu trách nhiệm về bộ hồ sơ trình phê chuẩn EVIPA” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thông tin.
Với Việt Nam, theo đúng quy trình quy định tại Luật Điều ước, Chính phủ sẽ trình bộ hồ sơ xin phê chuẩn sang Chủ tịch nước và Chủ tịch nước quyết định việc trình ra Quốc hội để xin phê chuẩn 2 Hiệp định.
Với EU, quy trình phê chuẩn có sự khác biệt giữa EVFTA và EVIPA. Cụ thể, EVFTA chỉ cần Nghị viện châu Âu phê chuẩn là có thể có hiệu lực ngay. Phía EU gọi đây là hiệu lực “tạm thời” bởi sau đó, về nguyên tắc EVFTA vẫn phải được Nghị viện các nước thành viên EU phê chuẩn. Còn EVIPA lại khác, phải được cả Nghị viện châu Âu và Nghị viện của tất cả các nước thành viên thông qua thì mới có hiệu lực thực thi.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, EVFTA và EVIPA không xuất phát từ con số không. Việt Nam và UE có một lịch sử quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư lâu dài và bền chặt, bắt đầu từ những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước. EU là một trong những đối tác đầu tiên dành hạn ngạch dệt may cho Việt Nam, đồng thời là đối tác đầu tiên kết thúc đàm phán với Việt Nam về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trên nền tảng của sự hiểu biết lẫn nhau sâu sắc và mối quan hệ kinh tế - thương mại bền chặt, 2 bên quyết định nâng tầm quan hệ bằng việc đàm phán một thỏa thuận thương mại tự do. Dù đây là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với những cam kết toàn diện và chất lượng cao, EU tin tưởng Việt Nam sẽ đủ năng lực thực thi hiệp định.
“Sự tin cậy đó là có cơ sở bởi EU đã có một thời gian dài chứng kiến Việt Nam thực thi hết sức nghiêm túc các cam kết quốc tế của mình, không chỉ cam kết khi gia nhập WTO mà còn cả cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1995 tới nay” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Do hiểu biết và tin cậy lẫn nhau nên tiến trình đàm phán đã diễn ra tương đối thuận lợi. Hai bên mất chưa đầy 3 năm để kết thúc toàn diện đàm phán tại Hà Nội vào tháng 7/2015 và chính thức công bố việc này tại Brussels, Bỉ vào tháng 12/2015. Tiến trình sau đó cho đến khi ký kết 2 Hiệp định đã được Bộ Công Thương công bố tại cổng thông tin evfta.moit.gov.vn.
Theo thông báo từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có đến 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa biết nhiều thông tin về Hiệp định EVFTA, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, đây là điều đáng tiếc, vì tài liệu thông tin về Hiệp định này rất nhiều, được công bố từ cuối năm 2015, đầu năm 2016. Không phải tới bây giờ Bộ Công Thương và các Bộ, ngành mới bắt tay vào việc tuyên truyền Hiệp định.
Với sự giúp đỡ của Dự án MUTRAP do EU tài trợ đã có rất nhiều tài liệu giải thích cam kết được xuất bản. VCCI đã có trang thông tin giới thiệu riêng EVFTA và EVIPA tới cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Anh và Bắc Ai len tại Hà Nội, VCCI đã xuất bản 5 cuốn sách rà soát sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với các cam kết trong EVFTA và EVIPA.
“Các doanh nghiệp Việt Nam đã có hơn 3 năm để nghiên cứu các cam kết trong EVFTA và EVIPA. Nhiều hiệp hội như Hiệp hội Thủy sản (VASEP), Hiệp hội Dệt may (VITAS)… cũng đã chủ động có các nghiên cứu riêng về EVFTA để phục vụ nhu cầu thông tin của các hội viên” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý.