Sinh thời, khi viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành Y tế ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "...cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y như từ mẫu".
Ảnh tư liệu. Nguồn: Internet. |
Niềm tự hào của nghề Y
Thấm nhuần lời dạy của Người, Bệnh viện 199 đã kế thừa và phát huy những thành tựu của các thế hệ đi trước, khắc phục mọi khó khăn thách thức, lớp lớp thế hệ cán bộ y tế không ngừng học tập và tu dưỡng, tận tụy, nỗ lực phấn đấu với mong muốn được hiến dâng công sức và trí tuệ của mình để đóng góp cho sự nghiệp y tế ngày càng phát triển.
Đến nay, Bệnh viện 199 đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật: luôn cải tiến lề lối làm việc, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế; bệnh viện đã ứng dụng nhiều kỹ thuật, trang thiết bị mới hiện đại trong khám, chữa bệnh; nhiều công trình y tế đã hoàn thành; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành, quản lý chuyên môn... tất cả đều hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Được đứng trong hàng ngũ của Bệnh viện 199, gánh vác trên vai mình trọng trách “là chiến sỹ công an trên mặt trận khám, chữa bệnh”, được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, được thực hiện sứ mệnh cao cả nhất trên đời này là chữa bệnh, cứu người - đấy là niềm tự hào to lớn của chúng tôi.
Trách nhiệm lớn lao của nghề Y
Được xã hội tôn vinh, là niềm tự hào, nhưng chúng tôi luôn ý thức rằng gắn với đó là trách nhiệm, là tinh thần làm việc hết mình, một lòng vì bệnh nhân của người thầy thuốc. “Một cái áo không lành có thể bỏ, đi sai đường chúng ta có thể đi lại, nhưng với sức khỏe và tính mạng của con người thì không”.
Chúng tôi hiểu rằng: Y, bác sĩ chính là niềm tin, niềm hy vọng, là “thần hộ mệnh”, là “thiên thần áo trắng” của biết bao người bệnh đang khát khao được trở lại cuộc sống bình thường, khỏe mạnh. Bệnh nhân cần ở chúng tôi: Thái độ ân cần, dịu dàng khi thăm khám; sự động viên, khích lệ dành cho người bệnh; chia sẻ và giúp đỡ bệnh nhân vượt qua nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Chính tinh thần trách nhiệm cao trong công việc cùng với y đức của người thầy thuốc sẽ làm nên nhân phẩm của “từ mẫu”. “Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp” - vì lẽ đó, chúng tôi khoác lên mình chiếc áo blouse trắng luôn hướng đến điều thiện, ngăn mình trước những cám dỗ của cuộc đời, vượt qua những gian nan, thử thách: những ca trực đêm mất ngủ, những ca cấp cứu căng thẳng, những lần xông pha vào tâm dịch, đến tận những nẻo đường xa xôi của Tổ quốc..., chúng tôi chẳng quản ngại hiểm nguy, sẵn sàng cống hiến để đem lại niềm vui sống cho biết bao người, để cuộc đời mình trở nên có ý nghĩa hơn, cao đẹp hơn.
Đáp ứng sự hài lòng của người bệnh là mục tiêu hàng đầu của chúng tôi - “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”. Thiết nghĩ, mỗi cán bộ y tế khi đã lựa chọn và quyết tâm gắn bó với nghề cũng đồng nghĩa với việc sẽ chấp nhận những gian khổ, hiểm nguy, những rủi ro có thể xảy ra. Nhưng một khi đã đam mê, được cống hiến với sự nghiệp đã lựa chọn và theo đuổi, những chiến sĩ áo trắng sẽ làm việc bằng tất cả công sức và trí tuệ để thực hiện tốt trọng trách lớn lao nhưng cũng đầy vinh dự này bởi với chúng tôi - hạnh phúc chỉ đơn giản là làm người “mẹ hiền”, chữa bệnh, cứu người.