Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ và yêu cầu chuyển đổi năng lượng toàn cầu, việc sửa đổi Luật Điện lực hiện hành đang trở thành một nhu cầu cấp thiết.
Theo Bộ Công Thương, Luật Điện lực đã trải qua nhiều lần sửa đổi từ khi ra đời vào năm 2004, gần đây nhất vào các năm 2012, 2018, 2022 và 2023. Tuy nhiên, các điều chỉnh này vẫn chưa giải quyết triệt để các vấn đề phức tạp trong thực tiễn. Các quy định hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế và không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành điện lực.
Những yêu cầu mới từ chủ trương và chính sách quốc gia
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới liên quan đến lĩnh vực năng lượng, nhằm hướng tới an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt, Nghị quyết số 937 ngày 13/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ rõ những bất cập trong ngành điện lực và đề xuất các biện pháp toàn diện để khắc phục. Trong đó, sự cần thiết về một hành lang pháp lý đầy đủ nhằm thúc đẩy đầu tư, khai thác các nguồn năng lượng tái tạo và đảm bảo sự bền vững trong cung cấp điện năng được xem là trọng tâm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng nếu không thông qua Luật Điện lực sửa đổi trong năm nay, mục tiêu đạt gấp đôi công suất điện đến năm 2030 sẽ khó có thể thực hiện. - Ảnh: VGP |
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam cần một hệ thống pháp luật điện lực tương thích với các điều ước quốc tế mà mình là thành viên. Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ không chỉ đảm bảo tính đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành mà còn giúp Việt Nam tiến gần hơn đến các mục tiêu cam kết quốc tế về giảm phát thải và bảo vệ môi trường.
Theo Bộ Công Thương, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng với xu hướng chuyển đổi số đã và đang tác động mạnh mẽ lên ngành điện lực. Việc sửa đổi Luật Điện lực sẽ tạo điều kiện pháp lý cho việc áp dụng các công nghệ mới vào quản lý và vận hành hệ thống điện. Từ đó, ngành điện sẽ có khả năng cung cấp dịch vụ ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số, đồng thời đáp ứng yêu cầu của một thị trường năng lượng cạnh tranh và minh bạch.
Chuyển đổi số cũng tạo ra thách thức trong việc vận hành hệ thống điện một cách linh hoạt, an toàn và hiệu quả. Các quy định mới cần phải tạo điều kiện cho các dự án điện linh hoạt, đồng thời cung cấp nền tảng cho việc xây dựng và phát triển các nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời và năng lượng tái tạo khác.
Thảo luận tại tổ chiều 26/10, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng Luật Điện lực (sửa đổi) cần sớm được thông qua để giải quyết các vấn đề cấp bách.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh rằng, nếu không thông qua Luật Điện lực sửa đổi trong năm nay, mục tiêu đạt gấp đôi công suất điện đến năm 2030 sẽ khó có thể thực hiện. Với khoảng thời gian ngắn còn lại, ngành điện cần một khung pháp lý mạnh mẽ, rõ ràng để thúc đẩy các dự án lớn. Một dự án điện than có thể mất đến 5-6 năm để hoàn thành, trong khi điện khí cần từ 7-8 năm, và điện hạt nhân có thể lên tới 10 năm. Vì vậy, sự chậm trễ trong ban hành luật sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cung ứng điện, kéo theo nguy cơ mất an ninh năng lượng quốc gia.
Ngoài ra, các nguồn năng lượng hiện tại như thủy điện và điện than cũng dần trở nên hạn chế, chỉ còn một vài dự án đang được triển khai theo quy hoạch cũ. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tìm kiếm các giải pháp năng lượng mới, thay thế những nguồn cũ. Nếu chậm trễ trong ban hành luật, Việt Nam sẽ không chỉ đối mặt với rủi ro về nguồn cung điện mà còn gặp khó khăn trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải, đặc biệt trong bối cảnh mục tiêu Net Zero đã được xác lập.
Thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và khắc phục bất cập trong quy định hiện hành
Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, với 9 chương và 130 điều, được nhiều chuyên gia đánh giá là một bước tiến mới nhằm khắc phục các hạn chế về đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo và cung cấp các quy định cụ thể để thúc đẩy điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, và các dự án điện sinh hoạt nhỏ lẻ. Những chính sách khuyến khích này sẽ thu hút đầu tư, không chỉ từ các nguồn trong nước mà còn từ các đối tác quốc tế.
Luật Điện lực sửa đổi cũng sẽ cung cấp một khung pháp lý chặt chẽ hơn cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Điều này đồng nghĩa với việc nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của ngành điện lực và tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận nguồn điện với mức giá hợp lý, bền vững.
Ngoài ra, dự thảo luật còn hướng tới giảm bớt các đầu mối quản lý trong ngành điện, tăng tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để cải cách bộ máy, giảm thiểu thủ tục hành chính, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án điện.
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra sơ bộ và cơ bản nhất trí với tính cần thiết phải ban hành. Theo đánh giá của Ủy ban này, dự thảo Luật không chỉ phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước mà còn tương thích với Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế có liên quan. Các chính sách được đưa vào dự thảo cũng đã được cụ thể hóa theo yêu cầu của Quốc hội, đảm bảo tính khả thi khi triển khai.
Trong phiên họp thứ 36 vào tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề cập đến yêu cầu hoàn thiện luật để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 380/TTr-CP.
Có thể thấy, việc sửa đổi Luật Điện lực là một nhiệm vụ cấp bách để tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho ngành điện trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng và hội nhập quốc tế. Nếu không ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) sớm, Việt Nam sẽ khó đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và những cam kết quốc tế.
Vì vậy, Luật Điện lực sửa đổi nếu được Quốc hội xem xét và thông qua trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho ngành điện phát triển bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đón kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.