Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 6/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn Quảng Nam phát biểu thảo luận ở hội trường |
Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn Quảng Nam cho biết, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này là nội dung quan trọng, đã sự thận trọng, cân nhắc kĩ lưỡng từ giai đoạn soạn thảo, lấy ý kiến và trình Quốc hội thảo luận qua 3 kỳ họp.
Ghi nhận nỗ lực của các cơ quan trong việc tiếp thu chính lý hoàn thiện dự thảo luật lần này, bày tỏ đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chính lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, trong thời gian ngắn, các cơ quan đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu để bổ sung đầy đủ, sửa đổi dự thảo Luật.
Tuy nhiên, đại biểu Dương Văn Phước cũng bày tỏ còn có băn khoăn, chưa cảm thấy yên tâm về một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật bởi kỳ vọng và yêu cầu đối với dự án Luật này là rất lớn, đòi hỏi tính khả thi cao để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của ngành y tế, tạo động lực phát triển cho ngành y tế.
Đại biểu Dương Văn Phước chỉ rõ băn khoăn đối với quy định kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề và thời hạn của giấy phép hành nghề. Đại biểu đề nghị Bộ Y tế cần tập trung quản lý chặt chẽ, có lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, đảm bảo đánh giá khách quan, năng lực hành nghề, thực hiện cấp phép hành nghề đúng quy định, áp dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí và không gây khó khăn, trở ngại cho người xin được công nhận năng lực hành nghề, cấp phép hành nghề.
Góp ý về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Dương Văn Phước cho hay, quy định thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề giữa các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và giải quyết được vấn đè thiếu đội ngũ y bác sĩ tại các tuyến cơ sở hiện nay.
Đồng thời, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về hình thức luân phiên để đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên khoa hóa trong khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, cần có chính sách đầu tư chiến lược lâu dài, trong đó có chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút đội ngũ y, bác sĩ về làm việc ở tuyến cơ sở, đảm bảo thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về y tế trong thời gian tới.
Về quyền kiến nghị và bồi thường, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, việc quy định người bệnh có quyền được yêu cầu người hành nghề cơ sở khám chữa bệnh xin lỗi rất cần thiết, góp phần giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh, giảm thiểu việc khiếu kiện, tranh tụng phức tạp.
Về thu hồi giấy phép hành nghề, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị rà soát lại các trường hợp bị thu hồi giấy phép hành nghề và đề nghị không thu phí khi cấp lại giấy phép hành nghề trong trường hợp bị thu hồi do lỗi sai sót thuộc về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước.
Đại biểu Lê Văn Cường - Đoàn Thanh Hóa khẳng định, dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) lần này thì có 121 điều và đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội. Trong đó, khoảng 20% số điều rất quan trọng, có nhiều điểm mới, có thể tác động và quyết định khoảng 80% chất lượng khám, chữa bệnh hiện nay.
Góp ý về mội số nội dung của dự thảo luật, đại biểu Lê Văn Cường cho biết, hiện nay có khoảng 182 trường khối ngành sức khỏe, trong đó 90 trường công lập, 92 trường ngoài công lập, các trường này khác nhau về tầm nhìn, mục tiêu, điểm đầu vào, về giáo trình, giảng viên cơ sở thực hành…
Vì vậy, chúng ta cần có bộ công cụ để chuẩn hóa sau khi tốt nghiệp. Hội đồng khoa học quốc gia có vai trò rất quan trọng, là nơi tập hợp điều phối các chuyên gia, các giảng viên, các trường đại học, các hội nghề nghiệp, cũng như các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng các bộ công cụ để đánh giá năng lực hành nghề.
Đại biểu cũng đề nghị cần phải đảm bảo tiếp cận bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề đối với người học, tránh hiện tượng đến kỳ thi học cấp tốc, lúc đó chỉ là trí nhớ ngắn hạn. Về lộ trình, trước mắt thực hiện đến chỉ nên tập trung vào đối tượng bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh trong bối cảnh điều kiện nguồn lực còn hạn chế.
Về phân cấp khám bệnh, chữa bệnh sẽ làm thay đổi chiến lược hệ thống bên ngoài thì đánh giá chất lượng sẽ thay đổi chiến lược bên trong của các cơ sở khám, chữa bệnh hiện nay. Điều này sẽ giúp chuẩn hóa quy trình quản lý về chuyên môn, triệt tiêu lãng phí cả hữu hình và vô hình. Từ đó, giúp nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí, giảm tối đa các sản phẩm lỗi của cơ sở y tế.
Vì vậy, đại biểu Lê Văn Cường kiến nghị có lộ trình bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng nâng cao theo chuyên khoa, theo dịch vụ kỹ thuật tại khoản 1, Điều 57, thay vì chỉ khuyến cáo như dự thảo.
Ngoài ra, đại biểu Lê Văn Cường cũng đề nghị tập trung xây dựng hệ thống pháp luật, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, cũng như cấu trúc lại hệ thống các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới.