Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã tăng 0,2 - 0,5% |
Ngân hàng hình thành mặt bằng lãi suất mới
Ngân hàng VietinBank vừa đưa ra biểu lãi suất huy động VND mới, áp dụng từ cuối tuần qua. Theo đó, lãi suất huy động của nhiều kỳ hạn tăng từ 0,2% đến 0,5%. Như vậy, cuộc đua nâng lãi suất huy động âm thầm diễn ra trong 3 tháng qua đã lan đến ngân hàng lớn nhất nhì thị trường.
Chỉ tính riêng trong vài tuần gần đây, nhiều ngân hàng như DongABank, OCB, VietCapitalBank, Sacombank, Techcombank, LienVietPostBank… đã nâng lãi suất tiền gửi thêm 0,2 - 0,5%/năm đối với nhiều kỳ hạn. Còn tính trong vài tháng qua, ước tính, hơn 50% số ngân hàng trên thị trường đã lần lượt tăng lãi suất huy động.
Rõ ràng, tăng vốn không còn là câu chuyện lẻ tẻ ở một số ngân hàng nhỏ. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, sở dĩ lãi suất tăng là do tín dụng tăng mạnh so với cùng kỳ (tín dụng tính đến cuối tháng 10/2015 đã tăng gần 13%). Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần huy động vốn để xử lý nợ xấu. Điều đáng lo, theo chuyên gia này, làn sóng tăng lãi suất sẽ chưa dừng lại.
Theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), lãi suất huy động tăng không phải xuất phát từ nguyên nhân thiếu thanh khoản của hệ thống. “Hiện nay, chỉ số huy động vốn trên cho vay của toàn hệ thống chỉ hơn 80%. Bên cạnh đó, lãi suất thị trường liên ngân hàng cũng đang ở mức thấp. Điều này cho thấy, thanh khoản của hệ thống đang dồi dào”, ông Trung phân tích.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng khác cũng thừa nhận, hiện nay, lãi suất tăng là do ngân hàng muốn có thêm nguồn vốn dự phòng để phục vụ nhu cầu vay vốn cuối năm của doanh nghiệp. Ngoài ra, ngân hàng tăng lãi suất huy động còn một số lý do khác, như cơ cấu lại nguồn vốn, giữ thị phần huy động trong bối cảnh các ngân hàng đối thủ tăng lãi suất, điều chỉnh dựa theo xu thế thị trường…
Đâu là nguyên nhân làm tăng lãi suất?
Cuối năm là thời điểm doanh nghiệp cần vốn nhất, vì vậy, lãi suất tăng thời điểm này là gánh nặng với doanh nghiệp. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, lãi suất thời gian qua dù giảm, nhưng vẫn là gánh nặng với các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay. Nếu so với mức lạm phát chưa tới 2%, thì mức cho vay hiện tại từ 7% đến 10%/năm, thậm chí một số khoản vay doanh nghiệp phải gánh lãi suất 10 - 12%/năm, là quá cao.
Chia sẻ với ý kiến này, TS. Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội cho hay, sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất từ đầu năm 2016. Theo đó, với lạm phát 2% hiện nay, nên giảm lãi vay trung dài hạn từ mức 9 - 10%/năm hiện nay xuống còn 7%.
Dù vậy, TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng, việc giảm lãi suất được hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào sự cạnh tranh giữa ngân sách với thị trường. “Khi lãi suất trái phiếu chính phủ còn cao, thì rất khó giảm lãi suất cho vay”, ông Trần Du Lịch nhận định.
Tương tự, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, nguyên nhân lãi suất tăng chính là lợi suất trái phiếu chính phủ khá cao. “Chính phủ đi vay với lãi suất 6%/năm (cao hơn lãi suất huy động ngân hàng) và hệ số rủi ro hoàn toàn không có. Nói cách khác, trái phiếu chính phủ đang tạo điều kiện để mặt bằng lãi suất được đẩy lên, chứ không thể giảm 1 - 2% như kỳ vọng”, chuyên gia này phân tích.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, lãi suất tăng vào thời điểm cuối năm khiến tâm trạng bất an về lãi suất đang dần quay lại. Nhiều doanh nghiệp vừa ký hợp đồng vay vốn cách đây 3 - 6 tháng cũng đã nhận được thông báo tăng mạnh lãi suất cho vay “theo giá thị trường”. Điều này tác động bất lợi tới doanh nghiệp khi kế hoạch kinh doanh đã được xây dựng từ trước. Không chỉ lãi suất tăng, hiện nay, việc tiếp cận vốn với doanh nghiệp vẫn là cả một vấn đề. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho hay, 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng, khó xảy ra cuộc đua tăng lãi suất cho vay trên diện rộng, do là các ngân hàng đang cạnh tranh giành khách hàng. Dù vậy, đáng lo là, mặt bằng lãi suất đang dần biến chuyển. TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, “một mặt bằng lãi suất mới đã được thiết lập”, điều này đồng nghĩa rằng, lãi suất sẽ rất khó giảm.