Cán bộ chủ chốt: “3 trong 1”
"Thực hiện Nghị quyết TW 3 ngày 24/9/2011 của BCH Trung ương Đảng, đầu năm 2006, Phong Phú đã mạnh dạn xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu tổ chức thành Tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Việc cải tiến này tạo nên sự liên kết bền chặt, xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm về vốn và lợi ích kinh tế giữa công ty mẹ Phong Phú với các công ty con. Qua đó, tăng cường năng lực sản xuất, tiếp thị, cung ứng, nghiên cứu, đào tạo… tạo điều kiện để Phong Phú phát triển thành đơn vị kinh tế mạnh đủ sức cạnh tranh và hội nhập" - đồng chí Phạm Xuân Trình trao đổi thêm.
Đồng chí Phạm Xuân Trình - Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Phong Phú |
Trong năm 2008, Tổng công ty đã triển khai cổ phần hoá (CPH) Tổng công ty mẹ, đến năm 2014, Tổng công ty tái cấu trúc, hoàn thiện chuỗi cung ứng khép kín từ sợi - dệt - nhuộm - may, đón đầu các hiệp định thương mại tự do, gia tăng nội lực doanh nghiệp và tăng tốc đầu tư. Với việc thực hiện xuyên suốt theo Nghị quyết TW3, tới năm 2016, Tổng Công ty đã thực hiện hoàn tất việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
“Với Phong Phú, dù là trước hay sau CPH thì hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn phát triển. Nền tảng của Tổng công ty rất tốt với chỉ tiêu kế hoạch năm sau luôn tăng hơn năm trước từ 7-8%/năm. Tuy nhiên sau CPH, chúng tôi còn làm tốt hơn khi duy trì và phát triển được công tác đảng với 4 Đảng bộ bộ phận và 5 chi bộ trực thuộc, 301 đảng viên. Nhiều năm liền đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh” - đồng chí Phạm Xuân Trình nhấn mạnh.
Hiện rất nhiều doanh nghiệp sau CPH, vai trò của Đảng không còn, trong khi đó Đảng bộ của Phong Phú vẫn "trước sau như một", tiên phong dẫn đường. Lý giải cho vấn đề này, đồng chí Phạm Xuân Trình cho biết, thứ nhất, do khi vẫn là doanh nghiệp nhà nước thì Tổng công ty đã có một Đảng bộ hoạt động mạnh. Sau CPH, vốn của nhà nước vẫn nắm quyền chi phối nên yếu tố này giúp Phong Phú duy trì được nền tảng, nền nếp và không thay đổi cơ bản về hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như vốn chủ sở hữu.
Thứ hai, những cán bộ chủ chốt của Phong Phú đều đạt chuẩn “3 trong 1” - vừa giữ cương vị chính quyền, vừa trong Ban chấp hành Đảng ủy lại vừa trong Hội đồng quản trị. Chính vì thế, công tác Đảng song hành cùng nhiệm vụ kinh doanh luôn xuyên suốt, gắn liền với quyền lợi của các cán bộ chủ chốt, không chỉ duy trì ổn định mà còn phát triển dựa trên cơ sở thực tế.
Thứ ba, cán bộ chủ chốt của Phong Phú đều nắm giữ các vị trí trọng yếu; như: Giám đốc nhà máy, Trưởng phòng hay Chủ tịch Công đoàn phần lớn đều là đảng viên hoặc bí thư chi bộ của các đơn vị này. Như vậy, công tác đảng xuyên suốt từ trên xuống dưới.
Bởi các chức vụ quan trọng trong Tổng công ty song hành, rõ ràng nên chiến lược hoạt động kinh doanh luôn được đảng bộ chỉ đạo nhất quán. Ví như sau CPH, Phong Phú chú trọng vào việc đầu tư hoàn thiện chuỗi khép kín sợi - dệt - nhuộm - may, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Hay việc hình thành các trung tâm sản xuất phù hợp với quy hoạch và lợi thế vùng miền như Trung tâm sản xuất sợi, kho trung chuyển và dịch vụ chỉ may tại quận 9, TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm sản xuất khăn bông tại Ninh Thuận và Trung tâm sản xuất denim và dệt kim tại Nha Trang. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng thực hiện nhiều dự án đầu tư chiều sâu thay thế các máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất không còn phù hợp bằng máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa cao và đầu tư mở rộng tăng năng lực sản xuất.
Do mô hình đặc thù doanh nghiệp CPH nên Phong Phú có nhiều công ty con và công ty thành viên, vì thế để duy trì sinh hoạt Đảng sẽ rất khó, nếu không gắn quyền lợi thiết thực cho đảng viên.
Tại Phong Phú, đảng viên đi họp định kỳ là tự hào chứ không phải hình thức; bởi họ đi họp để được nghe các hoạt động thực tế của công ty; đảng viên có chức vụ đều được nhận phụ cấp công tác đảng.
“Mặc dù có giao chỉ tiêu kết nạp đảng cho các cấp uỷ trực thuộc nhưng chủ trương của chúng tôi là không đi theo số lượng mà tập trung theo chất lượng. Nếu năm nào không tìm được người xuất sắc thì không kết nạp. Chúng tôi làm vậy để quần chúng mong muốn được vào đảng vì họ phải thấy được, đảng viên tốt gắn liền với quyền lợi” - đồng chí Phạm Xuân Trình cho hay.
Một trong những bài học mà Đảng bộ Phong Phú rút ra từ thực tiễn trong những năm qua là, cùng với việc xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, phải gắn liền với việc xây dựng các tổ chức đoàn thể chính trị mạnh như công đoàn, đoàn thanh niên. Một mặt, các tổ chức đoàn thể là cánh tay nối dài của Đảng bộ trong thực hiện nhiệm vụ; mặt khác là nơi cọ sát, rèn giũa và giới thiệu quần chúng tích cực cho đảng.
Thông qua chương trình hành động của Đảng ủy về “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động như: Phong trào thi đua năng suất, chất lượng sản phẩm - hàng tháng tổng hợp kết quả vào cuối năm để đánh giá xếp hạng khen thưởng, gương điển hình từ phong trào này sẽ được sắp xếp cử đi học các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và kết nạp; từ năm 2009 đến nay, Phong Phú đã cử 350 quần chúng tham gia học các lớp nhận thức về đảng. Từ nguồn quy hoạch trên, trong 10 năm qua, Đảng ủy đã kết nạp được 205 đảng viên mới.
Sản xuất jean tại Tổng công ty CP Phong Phú |
Đời sống của người lao động là trọng tâm cho phát triển
Phong Phú luôn căn cứ tình hình thực tế của công tác sản xuất kinh doanh để xây dựng và ban hành nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tổng công ty như: Xây dựng và lãnh đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện nghiêm túc các chế độ chính sách của đảng và nhà nước đối với người lao động; chỉ đạo chặt chẽ công tác xây dựng, cải tạo tổng thể môi trường lao động trong toàn Tổng công ty, nhằm từng bước tạo cho CBCNV được làm việc trong một không gian công nghiệp văn minh, vui chơi, giải trí, thư giãn sau những giờ lao động sản xuất.
Những kết quả đạt được do người lãnh đạo tổ chức Đảng vừa có tâm, vừa có tầm, với cách nhìn mới - đó là gắn chặt công tác Đảng với đội ngũ cán bộ chủ chốt trong sản xuất kinh doanh. |
Từ sau CPH đến nay, Tổng công ty đã có nhiều đột phá trong việc thực hiện các chính sách phúc lợi chăm lo cho người lao động như: Đầu tư xây dựng chung cư Nhân Phú với quy mô 197 căn để bán và cho CBCNV thuê; đầu tư 40 tỷ đồng để xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao ngay trung tâm thành phố Đà Lạt làm nhà nghỉ dưỡng cho CBCNV cũng như các đơn vị trong ngành Dệt may và du khách; xây dựng nhà trẻ để trông giữ con em CBCNV. Nhà trẻ hoạt động từ 6 giờ sáng đến khi phụ huynh đón các cháu về hết mới đóng cửa. Điều này giúp cho CBCNV hoàn toàn yên tâm khi phải tăng ca, thêm giờ hoặc đi công tác về muộn; tổ chức trồng rau sạch, toàn bộ sản phẩm của vườn rau được cung cấp để chế biến bữa ăn giữa ca cho CBCNV, số còn lại đưa vào siêu thị Phong Phú bán cho CBCNV với giá bằng 50% giá thị trường.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nếu như trước CPH, doanh thu bình quân của Phong Phú là 2.373 tỷ đồng, thì sau CPH đã đạt 3.739 tỷ đổng, tăng 1,6 lần. Các chỉ tiêu kế hoạch khác về kim ngạch xuất khẩu, lợi nhuận cũng tăng mạnh. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu trung bình trước CPH là 48 triệu USD, sau CPH là 70 triệu USD, tăng 1,5 lần. Lợi nhuận trước thuế trước cổ phần là 191 tỷ đồng, sau cổ phần là 240 tỷ đồng, tăng 25%/năm. Tổng tài sản trước cổ phần là 3.074 tỷ đồng, sau cổ phần là 4.900 tỷ đồng, tăng 1,6 lần. Thu nhập bình quân người lao động trước cổ phần là 2,5 triệu đồng, sau cổ phần là 6,2 triệu đồng, tăng 2,5 lần.