Hơn 7 năm qua (2014 - 2020) Khuyến công Lâm Đồng đã tác động và thay đổi cơ bản diện mạo ngành CNNT của tỉnh. Nhiều DN CNNT đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo môi trường làm việc thuận lợi, an toàn cho người lao động.
Khuyến công đã tác động và thay đổi cơ bản diện mạo ngành công nghiệp nông thôn |
Tương tự, việc hỗ trợ tham gia hội chợ, kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm giúp DN hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, từ đó tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, từng bước hình thành nhóm DN mạnh có khả năng tổ chức sản xuất sản phẩm xuất khẩu.
Tuy vậy, theo đại diện Sở Công Thương, công tác khuyến công của tỉnh vẫn còn gặp khó khăn, khi hàng năm có đề án phải ngừng thực hiện hoặc điều chỉnh nội dung, kinh phí và đơn vị thực hiện. Nguyên do, sức cạnh tranh của DN CNNT thấp nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh không cao, ảnh hưởng tới quá trình triển khai đề án; một số DN trong quá trình triển khai đề án không thực hiện đủ hồ sơ theo quy định hoặc không đủ chứng từ để thanh quyết toán, do vậy không hoàn thành đề án.
Theo đại diện Sở Công Thương Lâm Đồng, để công tác khuyến công phù hợp với bối cảnh phát triển trong giai đoạn mới (2021 - 2025) tỉnh đã đề xuất nới quy định, cũng như ưu tiên một số nội dung cho công tác khuyến công.
Cụ thể, với các nội dung được quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công, Sở Công Thương đề nghị ưu tiên triển khai một số nội dung: Tăng cường tổ chức kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất; hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; trưng bày và quảng bá giới thiệu sản phẩm cho cơ sở CNNT…
Đồng thời đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng cho một số nội dung. Cụ thể, nội dung "Hỗ trợ đầu tư các phòng trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm và các hoạt động xúc tiến thương mại khác" thay vì đối tượng thụ hưởng chỉ là trung tâm khuyến công quốc gia ở các vùng, cơ sở CNNT tiêu biểu cấp khu vực và quốc gia, đề nghị mở rộng tới đối tượng là trung tâm khuyến công các tỉnh và cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh; mở rộng nội dung hỗ trợ đơn vị thực hiện nội dung "Hỗ trợ các cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm" tới các cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm ở một số tỉnh khác do Trung tâm Khuyến công/Tư vấn/ Xúc tiến thương mại thực hiện… Riêng nội dung "Hỗ trợ cho các cơ sở CNNT đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại tiên tiến", đề nghị mở rộng sang hạng mục tự gia công chế tạo máy.
Với nội dung "Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật" được chia thành 2 nội dung "Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp" và "Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp".
Bên cạnh việc đề xuất nới đối tượng thụ hưởng và nội dung ưu tiên thực hiện tại Nghị định 45, Sở Công Thương cũng đề xuất một số ý kiến về nhiệm vụ cụ thể trong giai đoạn tới. Theo đó, về công tác đào tạo nghề, giao toàn bộ kinh phí cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện, do sau khi đề án được phê duyệt, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cũng phải hợp đồng với đơn vị có chức năng đào tạo để theo dõi và báo cáo cơ quan chức năng.
Lâm Đồng có tỷ trọng GDP thấp so với bình quân chung của cả nước, doanh nghiệp CNNT quy mô nhỏ và rất nhỏ, hiệu quả sản xuất chưa cao, do vậy kiến nghị được áp dụng chính sách khuyến công đặc thù. |