Ngày 21/6, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện báo cáo kiểm tra công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuỷ điện và các doanh nghiệp thuỷ điện theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.
Dự án nhà máy thuỷ điện Cam Ly đang được triển khai xây dựng tại TP. Đà Lạt, nhưng chủ đầu tư gặp khó khăn trong quá trình xin chuyển nhượng dự án này. (Ảnh: Lê Sơn) |
Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ngành khẩn trương thực hiện việc rà soát, đánh giá chặt chẽ tình hình thực hiện quy hoạch thuỷ điện trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó kiên quyết đề xuất, kiến nghị Bộ Công Thương loại ra khỏi quy hoạch đối với các dự án thuỷ điện không đảm bảo hiệu quả kinh tế, có chiếm dụng rừng tự nhiên, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động tiêu cực đến môi trường.
Dự án thuỷ điện Đạ Dâng - ĐaChaMo tại huyện Lạc Dương và huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đã được vận hành, khai thác. (Ảnh: Lê Sơn) |
Đối với các dự án thuỷ điện đã được cấp chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư, tiến hành rà soát để đánh giá tình hình thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư, việc chuyển đổi đất, rừng và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư, định canh, các khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Nắm rõ các dự án thuỷ điện nào chưa thực hiện đầy đủ các nội dung nêu trên để có biện pháp, giải pháp tháo gỡ.
Các dự án thuỷ điện đang nghiên cứu đầu tư hoặc đang thi công xây dựng, đề nghị các sở, ngành tăng cường công tác kiểm tra, rà soát về công tác quản lý chất lượng xây dựng, đảm bảo an toàn công trình và đáp ứng các yêu cầu về môi trường, tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án thủy điện nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Bên cạnh đó, thống kê các dự án thuỷ điện chưa được cấp phép vẫn tiến hành xây dựng, có nhà thầu chưa đủ năng lực theo quy định nhưng đã tham gia trong quá trình thực hiện dự án; bị sự cố trong quá trình thi công kể cả sự cố về môi trường…xử lý nghiêm các chủ đầu tư dự án không tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng, cần thiết xem xét thu hồi giấy phép, dừng thi công để khắc phục.
Riêng, các dự án thuỷ điện đã vận hành, khai thác thì tiến hành rà soát, đánh giá những khó khăn, thuận lợi trong quá trình thực hiện công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các dự án thuỷ điện để đề xuất, kiến nghị các biện pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , đại diện lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị đã và đang triển khai công tác rà soát, xây dựng các kế hoạch phối hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá tổng thể những mặt tích cực và hạn chế, khó khăn trong quá trình phát triển thuỷ điện trên địa bàn, đặc biệt sẽ đánh giá sâu về hiệu quả kinh tế, xã hội, vấn đề an toàn các công trình và các nội dung khác liên quan đến khu vực dân cư bị ảnh hưởng sau khi các dự án thuỷ điện được đưa vào vận hành khai thác.
Mới đây, Sở Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 1231, về việc kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn đập, hồ thuỷ điện trên địa bàn tỉnh. Dự kiến trong quý II và III/2024, đoàn sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát đối với các thuỷ điện, đập, hồ chứa gồm: Thuỷ điện Đa Dâng – ĐaChoMo tại huyện Lạc Dương và huyện Lâm Hà; Thuỷ điện Sar Deung 2 tại huyện Lâm Hà; Thuỷ điện Đa Kai huyện Bảo Lâm; Thuỷ điện Đam Bol – Đạ Tẻh tại huyện Bảo Lâm và Khu vực nhà máy Thuỷ điện Quảng Hiệp tại huyện Đức Trọng.
Sau kiểm tra, Sở Công Thương sẽ đánh giá toàn diện tình hình thực hiện quy trình vận hành hồ chứa các dự án thuỷ điện, kịp thời báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng và đề nghị điều chỉnh, bổ sung những nội dung chưa phù hợp với điều kiện thực tế nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường, an sinh xã hội.