Lật lại hồ sơ Công ty Minh Chung trong vụ sản phẩm OVISURA GOLD Đề nghị tiếp tục làm rõ hàng chục sản phẩm bị làm giả, nhái Khe hở quản lý trong sự bát nháo của thị trường thực phẩm chức năng |
Công ty TNHH Dược phẩm công nghệ cao Minh Chung (viết tắt là Công ty Minh Chung) là doanh nghiệp chuyên sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng có địa chỉ tại huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.
Doanh nghiệp này là chủ của hàng trăm dòng sản phẩm thực phẩm bổ sung mang nhãn hiệu rất "kêu" như: Ensuremilk Sữa non tổ yến Canxi Nano Fucoidan, Glucare, Atsure Plus, CERE BRAIN MAXCOLIN NANTTO BEST Q10 PLATIUM ... Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ công dụng và chất lượng của các sản phẩm được giới buôn sữa truyền tai gọi là "sữa cỏ" này đến đâu.
Đáng nói rất dễ tìm nhiều sản phẩm do đơn vị này công bố có thiết kế bố cục bao bì sản phẩm gần giống với những thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như: BIO ALPHA LIPIT NUTRIHEAL COLOSTRUM USA ENDSURE MILK, ANPHA LIPIT NUTRITION GOLD, philatop sữa non yến sào....
Một số hình ảnh thiết kế sản phẩm có thiết kế bố cục tên gần giống một số thương hiệu nổi tiếng |
Liệu rằng có đang cố tình cạnh tranh không lành mạnh, ăn theo, gây hiểu nhầm với người tiêu dùng về nguồn gốc sản phẩm, thương hiệu?
Chỉ biết, đã có không ít khách hàng vì cả tin vào lời quảng cáo hoa mỹ, lầm tưởng giữa khái niệm "sữa" và sản phẩm dinh dưỡng do các đại lý phân phối "lập lờ" mời chào, nên đã đặt mua và sử dụng chúng trong thời gian dài. Rủi ro hơn cả là Công ty Minh Chung còn tham gia sản xuất những sản phẩm dinh dưỡng "sữa công thức" nhắm tới đối tượng là trẻ em dưới 36 tháng tuổi.
Liên quan đến sản phẩm của Công ty Minh Chung, như Vuasanca thông tin gần đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm (TP. Hà Nội) đang tiến hành điều tra, xác minh tin báo có dấu hiệu "Sản xuất, buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu thực phẩm bổ sung Ovisura Gold", xảy ra tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm.
Được biết, số hàng hóa mang nhãn hiệu Ovisura Gold được cơ quan chức năng đưa vào "tầm ngắm" nêu trên có khối lượng hộp 650g, sản xuất: 15012024, ngày sản xuất: 15/1/2024, hạn sử dụng: 15/1/2026. Lô hàng sản xuất tại Công ty TNHH Quốc tế Alphabet Myers Walmart American, có địa chỉ tại đội 2, thôn Đại Thần, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội. Đây là đơn vị đã ký hợp đồng sản xuất với Công ty Minh Chung để cho ra đời dòng thực phẩm này.
Lô sản phẩm thực phẩm bổ sung Ovisura Gold có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu (Ảnh: Công an quận Bắc Từ Liêm) |
Theo tiến trình xử lý vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định trưng cầu giám định chất lượng thực phẩm bổ sung Ovisura Gold tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh quốc gia. Tại kết luận giám định chất lượng của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh quốc gia, sản phẩm thực phẩm bổ sung Ovisura Gold có các chỉ tiêu không phù hợp với tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm đang thông báo tìm người mua hoặc sử dụng thực phẩm bổ sung Ovisura Gold có đặc điểm nêu trên để phục vụ điều tra. Để cung cấp cho bạn đọc các thông tin khách quan về Công ty Minh Chung, Vuasanca đã tiếp tục tìm hiểu và phát hiện một số chi tiết thú vị.
Lần mở Công ty Minh Chung
Tài liệu thu thập cho thấy, trước khi đổi tên, thay họ thành Công ty TNHH Dược phẩm công nghệ cao Minh Chung từ tháng 3/2019, Công ty TNHH Xây dựng thương mại và dịch vụ khai sáng mới là cái tên mà đơn vị này sử dụng suốt 4 năm đầu thành lập. "Ông chủ" doanh nghiệp là ông Dương Hoàng Chung (SN 1977), xuất thân từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Sau pha "lột xác" từ "anh thợ" xây dựng bước sang sản xuất thực phẩm chức năng, ông Chung bắt đầu rút khỏi doanh nghiệp, chuyển trọng trách sang cho bà Nguyễn Thị Thanh Tú (SN 1985, Yên Bái) và bà Hà Thị Mơ (SN 1988, Hòa Bình, từ tháng 4/2024) lần lượt đứng tên.
Nhưng theo dư luận quan tâm, "động tác" âm thầm xóa tên khỏi Công ty Minh Chung là màn "buông rèm nhiếp chính" của đại gia Dương Hoàng Chung. Dấu hiệu khá rõ ràng khi họ giữ lại thương hiệu "Minh Chung", đồng thời, trụ sở chính cũng không thay đổi đến tận năm 2021 vẫn hoạt động ở số nhà BT12-13 Khu đô thị An Khánh, xã An Khánh, huyện Hoài Đức - chính là nơi sinh sống của gia đình đại gia tuổi Đinh Tỵ.
Bên cạnh đó, "cánh tay phải" của ông Dương Hoàng Chung, bà Nguyễn Thị Phương (SN 1993, Nghệ An) đã và đang tiếp tục phụ trách vị trí Kế toán trưởng trong suốt hơn một thập kỷ nay. Nhà máy sản xuất của Công ty Minh Chung cũng vẫn được đặt ở Khu công nghiệp Lương Sơn thuộc quê nhà Hòa Bình của doanh nhân Dương Hoàng Chung.
Về hoạt động kinh doanh, tài liệu của Vuasanca cho thấy, từ khi buông mảng thi công xây dựng và "lấn sân" kinh doanh thực phẩm chức năng, Công ty Minh Chung có sự chuyển mình mạnh mẽ về doanh thu. Năm 2019, doanh thu ghi nhận 1,3 tỷ đồng, tăng tiếp lên 2,8 tỷ đồng năm 2020 và 6,2 tỷ đồng năm 2021. Năm 2022, doanh thu sụt giảm xuống 4,7 tỷ đồng nhưng đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng với 9,4 tỷ đồng có được trong năm 2023.
Như vậy, bán hàng thực phẩm chức năng giúp Công ty Minh Chung kiếm bộn tiền, tăng trưởng doanh thu lên gấp 7 lần sau 5 năm, cho thấy số lượng hàng hóa họ cung cấp ra thị trường là không hề nhỏ, và có xu hướng tăng vọt trong những năm trở lại đây. Đặc biệt, họ làm nên "chiến công" này chỉ với tổng lao động vỏn vẹn 5 người, theo Giấy đăng ký doanh nghiệp đang lưu trữ trên Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Khá ngạc nhiên là bán đắt hàng nhưng Công ty Minh Chung vẫn thường xuyên báo thua lỗ lên cơ quan quản lý nhà nước. Năm 2023, doanh thu lên đỉnh cao chưa từng có (9,4 tỷ đồng), đổi lại, số lỗ sau thuế vẫn là 25,1 triệu đồng, khiến tổng lỗ lũy kế vượt qua ngưỡng 650 triệu đồng, đặt ra nhiều dấu hỏi lớn.
Một chuyên gia kinh tế nhận định, không doanh nghiệp nào "càng làm càng lỗ" như Công ty Minh Chung mà cứ mặc sức mở rộng quy mô hoạt động, phát triển thị phần thông qua hoạt động marketing năng nổ đến vậy. Đó là nghịch lý, nên khả năng những khoản lỗ trên là "lỗ kỹ thuật" giúp "ông chủ" doanh nghiệp hạn chế tối đa độ lớn của hóa đơn thuế, là giải thích hợp lý cho sự băn khoăn này.
Trên đây là một số thông tin khái quát về ông Dương Hoàng Chung và Công ty Minh Chung. Tiếp tục lần theo hoạt động sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng của doanh nghiệp đang gây ầm ĩ dư luận tại Hà Nội, Vuasanca có phát hiện bất ngờ về sự tồn tại của một mạng lưới liên kết chằng chéo, khép kín từ khâu sản xuất tới tiêu thụ ra thị trường.
Khám phá "hệ sinh thái" bí ẩn
Điểm danh hàng loạt những "mắt xích" khó thể thay thế trong "bộ máy" như ông Dương Hoàng Chung, bà Nguyễn Thị Thanh Tú, một số cái tên nổi trội khác cần chú ý là bà Vũ Thị Đức (SN 1960), bà Hoàng Thị Thu Trang (SN 1983), ông Lê Thành Luân (SN 1995), bà Trần Như Quỳnh (SN 1987), bà Trần Thị Thúy Hằng (SN 1986), bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1985), bà Nguyễn Thị Kiều Oanh (SN 1983), ông Lâm Văn Quỳnh (SN 1995)...
Trước tiên, bà Vũ Thị Đức, cùng với bà Trần Như Quỳnh và bà Trần Thị Thúy Hằng là cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Dược phẩm Quốc tế Việt Nam Anh Quốc Trường Đại Hưng (Nhà máy Dược phẩm Trường Đại Hưng - Tadaphaco, trụ sở huyện Thanh Trì, Hà Nội) - đơn vị tích cực nhất đang bày bán những sản phẩm do Công ty Minh Chung sản xuất, như Obisure Gold Diabest, Obisure Gold Hiweight Gain, Obisure Gold Sữa non tổ yến, Sữa Dr Goldent Gout Carer...
Tadaphaco cũng tập trung phân phối dòng sản phẩm Viasure (canxi - sụn cá mập) và Sữa non tổ yến Canxi Nano, Sữa hạt Hitoshi... cho Công ty Cổ phần Dược phẩm DQueen Coty Procter Gamble Debeers Italia (Công ty Dược phẩm DQueen, trụ sở huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Trái ngược với tên gọi vô cùng hoành tráng, mang đậm chất quốc tế giúp gây ấn tượng mạnh trong mắt bạn hàng, thực chất các doanh nghiệp này 100% đều là tư nhân nội địa, không liên quan gì đến nước ngoài. Nên biết, Công ty Dược phẩm DQueen hóa ra là doanh nghiệp do bà Trần Như Quỳnh (cổ đông lớn Tadaphaco), bà Nguyễn Thị Kiều Oanh và bà Nguyễn Thị Thanh Tú (Giám đốc Công ty Minh Chung) góp vốn hình thành.
Thêm một đơn vị sản xuất thực phẩm chức năng đình đám nữa nằm trong "hệ sinh thái" bí ẩn cần đề cập, là Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Trung ương Queen Diamond Diophaco (Diophaco, trụ sở huyện Quốc Oai, Hà Nội). Cách đây ít lâu, Diophaco bị vướng vào "lùm xùm" về quảng cáo, khi sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Green Health tinh dầu thông đỏ sâm Ngọc Linh bị "tố" quảng cáo gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh, quảng cáo không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.
Những lời quảng bá "có cánh" của Diophaco trên website của mình (Ảnh chụp màn hình) |
Tại doanh nghiệp có dấu hiệu lừa dối khách hàng, bà Vũ Thị Đức đóng vai trò chủ chốt, người cầm giữ số cổ phần 40% cho Diophaco, ngoài ra là 2 cộng sự là bà Hoàng Thị Thu Trang (SN 1983) và ông Lê Thành Luân (SN 1995), cùng chia sẻ tổng vốn điều lệ gần 21 tỷ đồng.
Diophaco còn có thời gian tiêu tốn bút mực của báo giới, khi giữa vòng vây của đại dịch năm 2021, những người dân sinh sống ở phường Trần Phú, TP. Hải Dương, bức xúc lên tiếng vì bị lừa mua sản phẩm của họ với mức giá "trên trời". Bài viết phản ánh sự việc trên Báo Hải Dương xuất bản ngày 16/12/2021 cho biết:
"Chiều 13/12/2016, bà Nguyễn Thị Minh Thêu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Trần Phú dẫn theo một người phụ nữ tên Hải đến nhà người dân trong khu vực. Người phụ nữ được Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Trần Phú giới thiệu là nhân viên siêu thị Big C, thời gian qua hàng hóa bán chậm vì dịch bệnh, nên muốn tặng quà cho người dân thay hình thức quảng cáo.
Đó là cách họ tiếp cận để mời chào người dân, chủ yếu là phụ nữ cao tuổi tới tham gia buổi tặng quà diễn ra sáng 14/12/2016. Lời hứa hẹn tặng mỗi người tham dự phần quà là một chai nước mắm Sơn Hải và một hộp muối hầm thảo dược Himalaya 100g, giúp đội ngũ tổ chức đứng sau thu hút được nhiều sự quan tâm.
Người dân bức xúc khi mua hàng với giá cao gấp nhiều lần giá ngoài thị trường (Ảnh: Báo Hải Dương) |
Tại buổi "tặng quà", tranh thủ gặp gỡ và tiếp xúc với các khách hàng là người cao tuổi, đồng đội của người phụ nữ tên Hải kia đã nhanh tay bán được không ít sản phẩm do Diophaco sản xuất, chẳng hạn như hộp viên ngủ ngon dưỡng tâm an thần (hộp 2 lọ x 30 viên) với giá 1,3 triệu đồng. Về tới nhà, những vị khách nhẹ dạ cả tin bắt đầu tham khảo giá tại một số nhà thuốc và trên sàn thương mại điện tử Shopee, mới ngã ngửa vì sản phẩm này chỉ được bán với giá 150.000 - 170.000 đồng, rẻ hơn nhiều lần số tiền 1,3 triệu đồng họ đã chi.
Khi người dân bày tỏ sự phẫn nộ vì bị lừa, bà Nguyễn Thị Minh Thêu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Trần Phú đã liên lạc ngay với người phụ nữ tên Hải nhưng đã tắt máy. Đồng thời, lãnh đạo siêu thị Big C Hải Dương cũng khẳng định, đơn vị không có chương trình nào mang sản phẩm ra ngoài siêu thị như kể trên".
Nhìn tổng quát, Công ty Minh Chung chỉ đóng vai trò nhất định trong "hệ sinh thái" trên. Quy mô của nhóm hệ sinh thái này khá "khủng", doanh thu mỗi năm có thể lên tới vài trăm tỷ đồng, nhưng với một số dấu hiệu "lạ" trong kinh doanh, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần nhập cuộc thanh kiểm tra, để phát hiện và xử lý sai phạm (nếu có), tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc ảnh hưởng đến thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam, thậm chí là ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.