Trước những năm 90, 90% số hộ gia đình trong làng nghề truyền thống bún Phú Đô làm nghề và sản xuất hoàn toàn theo phương thức thủ công. Đặc biệt, công đoạn luộc bún sử dụng lò than đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người lao động và môi trường cộng đồng. Theo kết quả khảo sát trên 500 hộ gia đình tại Phú Đô của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bình quân mỗi năm, mỗi hộ tiêu thụ 19 - 22kg than, hiệu suất tiêu hao nhiệt là 618 mcal/tấn bún. Mỗi năm làng nghề thải ra môi trường 1.586 tấn xỉ than và 6.158 tấn khí CO2. Theo ông Nguyễn Văn Họa - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề truyền thống bún Phú Đô, công nghệ lạc hậu, hệ thống xử lý chất thải hoạt động kém khiến ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước và không khí ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến giúp tiêu hao năng lượng ít |
Để hỗ trợ làng nghề cải thiện chất lượng môi trường, đầu năm 2000, Viện Khoa học Năng lượng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tiến hành nghiên cứu đưa ra 3 mô hình sản xuất tại làng bún Phú Đô. Đầu tiên là mô hình sản xuất phân tán, mỗi hộ đầu tư 1 lò than cải tiến có ống dẫn thải, hệ thống bảo ôn, tái chế nhiệt, hiệu suất đạt trên 30% gấp 2 lần lò đốt cũ. Lượng nhiệt thải ra được "tái chế" vào sinh hoạt. Các lò được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ nhằm duy trì sự ổn định, tiết kiệm năng lượng. Mô hình này đang được ứng dụng rộng rãi tại làng nghề.
Tiếp theo là mô hình sản xuất theo nhóm hộ. Mỗi nhóm gồm 3 - 5 hộ sản xuất, được trang bị nồi hơi với áp suất, lượng hơi, nhiệt độ phù hợp, giảm tối đa sự cố. Năng suất dự kiến từ 200 - 400 kg/giờ, cao hơn 2,5 lần công nghệ cũ. Theo tính toán của các chuyên gia, áp dụng mô hình này, các nhóm chỉ mất 5 tiếng/ngày để sản xuất, tiết kiệm 71% lượng than so với sản xuất thủ công. Mỗi năm làng nghề tiết kiệm được 1.300 tấn than, giảm phát thải 2.000 tấn C02. Mô hình sản xuất theo nhóm hộ tuy có hiệu quả cao nhưng chỉ được một số ít hộ gia đình trong làng nghề áp dụng.
Ưu điểm nhất là mô hình sản xuất tập trung. Các công đoạn như xay, nhào bột, làm bún, xử lý chất thải được thiết kế thành dây chuyền. "Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi sự thống nhất cao của các hộ sản xuất trong làng nghề và nguồn vốn đầu tư lớn nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị" - ông Họa nói.
Cùng với áp dụng các mô hình tiết kiệm năng lượng, quy trình xử lý nước thải từ sản xuất bằng bùn hoạt tính được triển khai tại Phú Đô mang lại hiệu quả cao khi giá trị COD (nhu cầu oxy hóa học) đã giảm từ 7.800mg/l xuống còn 192 mg/l, hiệu suất đạt 98%. Bên cạnh đó, người dân làng nghề cũng đang thực hiện chuyển đổi sử dụng khí biogas thay cho than.
Việc áp dụng thành công khoa học kỹ thuật vào sản xuất với các công đoạn được cơ giới hóa đã giúp sản lượng trên một hộ tăng cao gấp 2 - 3 lần sản xuất thủ công; chất lượng sản phẩm cải thiện; số lao động giảm trong mỗi công đoạn sản xuất. "Đặc biệt, môi trường làng nghề được cải thiện rõ rệt. Trước đây, nhà nhà chứa than, đường đường phơi than, rơm, củi rất mất vệ sinh nay mặt bằng nhà xưởng sạch sẽ, sức khỏe người lao động được bảo đảm" - ông Hoạ vui mừng chia sẻ.
Làng nghề truyền thống bún Phú Đô hiện có 1.000 hộ tham gia sản xuất, cung ứng khoảng 90 tấn sản phẩm mỗi ngày. Sản phẩm của làng nghề rất được ưa chuộng trên thị trường. |