Năm 2021, ngành Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bình ổn thị trường, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, giá cả thị trường. Đồng thời, rà soát và cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn gửi Bộ Công Thương triển khai Bản đồ Chung sống an toàn với dịch bệnh Covid-19. Triển khai các kế hoạch dự trữ hàng hóa, điều chỉnh hoạt động của ngành thích ứng với từng cấp độ diễn biến của dịch Covid-19. Triển khai hiệu quả việc lưu thông hàng hóa thiết yếu cho huyện Hữu Lũng, Văn Lãng khi các địa phương này có các ca nhiễm Covid-19 phải thực hiện giãn cách xã hội. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa tới các huyện giãn cách xã hội...
Trong bối cảnh đại dịch tác động khó khăn đến tiêu thụ hàng hóa nói chung, nông sản nói riêng, Sở Công Thương đã đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn, các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản của Lạng Sơn và nông sản của các địa phương có dịch bệnh Covid-19 tại địa bàn...
Nhờ vậy, hoạt động kinh doanh thương mại, cung - cầu hàng hóa, giá cả... thị trường nội địa tại Lạng Sơn năm 2021 cơ bản vẫn giữ được ổn định, không xảy ra khan hiếm hoặc tăng giá hàng hóa đột biến. Thống kê cho thấy, tổng mức giá trị bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tại Lạng Sơn trong năm 2021 ước đạt 20.955 tỷ đồng, tăng trưởng 3,5% so với năm 2020. Thời điểm cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hoạt động kinh doanh tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các chợ truyền thống... trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang diễn ra khá sôi động, nguồn cung hàng hóa đảm bảo, giá cả cơ bản vẫn giữ được ổn định.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong năm 2021 tỉnh Lạng Sơn đã phải triển khai thực hiện cách ly các khu vực lây nhiễm, hạn chế các sự kiện tập trung đông người..., một số huyện phải thực hiện giãn cách xã hội đã khiến cho hoạt động kinh doanh của các nhà hàng, các dịch vụ phục vụ khách du lịch từ tháng 5 đến giữa tháng 9/2021 bị ảnh hưởng, doanh thu sụt giảm. Mặc dù giá trị tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng năm 2021 tại Lạng Sơn tăng trưởng so với năm 2020, song thực hiện so với chỉ tiêu đề ra từ đầu năm 2021 thì cũng mới đạt 94% kế hoạch.
Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và hồi phục kinh tế, năm 2022, ngành Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã đặt mục tiêu phấn đấu giá trị tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt 23.050 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2021.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong năm 2022 sẽ triển khai các giải pháp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, phát triển các doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa và kết nối cung - cầu hàng hóa; hình thành các chuỗi liên kết dọc (liên kết thành một chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng một hoặc một nhóm sản phẩm, hàng hóa) và các chuỗi liên kết ngang (giữa những doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh một hoặc một nhóm hàng hóa) giữa các nhà sản xuất, phân phối và nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ để thúc đẩy hoạt động kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, gia tăng giá trị hàng hóa.
Triển khai hiệu quả Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng tới năm 2030 và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện tốt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; Nghị quyết 36-NQ/TU ngày 25/6/2021 tỉnh ủy Lạng Sơn về phát triển thương mại, dịch vụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từng bước thực hiện tốt văn minh thương mại trên địa bàn.
Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn đã được Thủ tướng phê duyệt, qua đó thúc đẩy thương mại biên giới cũng như thương mại nội địa phát triển. Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng chợ nông thôn trên địa bàn...