Ông Dương Văn Thụy- Trưởng thôn Dương Thượng, xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên- kể về ông Nguyễn Văn Toản với giọng đầy tự hào: Đó là một lão nông rất… lạ. Chẳng học hành gì, không ai ủng hộ, ông ấy tự mày mò làm, rồi thành công trồng quất trong chậu cảnh. Chậu quất cảnh đó có thể chơi cả năm vẫn đẹp. Nhìn đơn giản nhưng cả huyện Văn Giang không ai làm được như ông ấy.
Chúng tôi đi thăm vườn quất của ông Nguyễn Văn Toản theo lời giới thiệu của những người sành chơi quất cảnh ở Hà Nội. Đó là một ông nông dân 50 tuổi, yêu quất cảnh đến nỗi có thể nói về chuyện này hết ngày này qua ngày khác. Hiện ông Toản có hơn 70 chậu quất cảnh không “đụng hàng”, được tuyển chọn kỹ lưỡng, thử nghiệm trồng trong 4 năm. Chỉ vào những cây quất trong chậu cảnh được uốn thế không giống ai, ông Toản nói sang sảng: “Bao nhiêu năm, bao nhiêu đời cứ bắt người chơi quất mang về một cây thế cũ rích, theo quy chuẩn cái đẹp ngày xưa. Tôi thích uốn thế theo dáng hiện đại, như uốn cây theo hình con chim, cái quạt, thác nước…”.
Vườn quất của ông Toản được nhiều lái buôn và người chơi quan tâm. Giá thành sản phẩm vườn quất của ông cao gấp 2- 3 lần các vườn khác. Tuy nhiên, theo tính toán của các chủ vườn, ông Toản vẫn… thua. Lão nông “gàn dở” cười: “Điều này tôi biết từ đầu rồi”. |
Hàng xóm của ông Toản, bác Bùi Văn Thức - chia sẻ: “Nhìn ông Toản hí hoáy 4 năm, ai cũng nghĩ ông ấy thất bại. Không ngờ năm nay ông ấy lại có quất thế lạ trong chậu để bán. Tính toán kỹ, với giá thành 6- 10 triệu đồng/chậu quất thế, ông ấy vẫn lỗ. Vì thế, mọi người nói ông Toản tính nước… gàn dở”.
Theo ông Toản, một chậu quất uốn thế dạng thác nước hoặc hình con hạc phải 4 năm mới hoàn tất. Đầu tiên, từ cây trồng tự do ở vườn quất lấy quả thấy có triển vọng uốn thế, ông “tuyển” về trồng ở ruộng nhà mình và bắt đầu công cuộc uốn thế. Ông vừa chăm sóc, vừa uốn thế cây trong vòng 3 năm tiếp ở ruộng, chăm sóc, tưới tắm đặc biệt để cây phát triển thân, lá và không có quả. Sau đó, đến năm thứ 4, ông chuyển cây vào chậu cảnh lớn, bắt đầu công cuộc chăm sóc chế độ đặc biệt để cây phát triển theo ý muốn. “Chăm cây phải biết đặc tính từng cây. 100 cây quất trồng trong chậu là một 100 “tính cách” khác nhau”- ông Toản nói.
Nhiều người thấy ông Toản ngày nào đi chăm cây cũng lẩm bẩm một mình, nói ông “gàn dở”. Nhưng với ông, đó là thói quen trò chuyện với cây. “Cây là một cơ thể sống, rất nhạy cảm đối với thời tiết, con người và cả tình cảm con người dành cho nó”- ông Toản tâm sự.
“Cuộc sống của tôi gắn với cây quất. Lợi nhuận chỉ là thứ yếu. Tôi tin, thành công với mô hình mới, mình sẽ nhận được thành quả xứng đáng”- ông Toản khẳng định.