Lập "siêu ủy ban" quản lý vốn nhà nước - ý kiến bên hành lang Quốc hội
Ủy ban Quản lý, Giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp sẽ trực tiếp quản lý phần vốn Nhà nước tại 30 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp. |
Theo dự thảo nghị định, Ủy ban này sẽ trực tiếp quản lý phần vốn Nhà nước tại 30 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp... Tiêu biểu là một số tập đoàn như Dầu khí, Điện lực, Hoá chất, Dệt may, Công nghiệp Than - Khoáng sản, Bưu chính - Viễn thông, Công nghiệp Cao su, Xăng dầu, Bảo Việt... Các tổng công ty gồm: Cà phê, Đường sắt, Hàng hải, Hàng không, Lương thực miền Bắc, Lương thực miền Nam, Thuốc lá, Giấy, Thép, Dược, Cảng hàng không, Lâm nghiệp, Sông Đà, Habeco và Sabeco. Đặc biệt, trong danh mục quản lý của Ủy ban này còn có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Riêng phần vốn mà SCIC nắm giữ tại các doanh nghiệp tính đến cuối năm 2015 khoảng 98.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại các doanh nghiệp lên tới 1,2 triệu tỷ đồng, giá trị tài sản là hơn 3,1 triệu tỷ đồng. Như vậy, đây sẽ là một “siêu Ủy ban", quản lý khối tài sản lớn nhất Việt Nam.
Trao đổi với báo giới bên lề Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng)- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đề xuất này không phải là mới, bởi năm 2011 đã có Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về đổi mới, phát triển hiệu quả DN nhà nước. Mặc dù còn rất khó khăn nhưng phải ủng hộ chủ trương thành lập cơ quan này bởi vấn đề tách cơ quan quản lý vốn ra khỏi bộ máy hành chính đang cấp bách hơn bao giờ hết.
Đồng tình với chủ trương này, đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, thực tế thời gian qua, việc quản lý vốn ở các DN nhà nước có vấn đề nên nhiều dự án nghìn tỷ phải đắp chiếu hoặc hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân một phần do từ trước đến nay ta chưa có người chịu trách nhiệm chung để xử lý khi có tình huống xảy ra. Do đó, chủ trương thành lập một Ủy ban quản lý vốn nhà nước là điều nên được ủng hộ.
TS. Nguyễn Đức Kiên kỳ vọng, sau khi ra đời, Ủy ban này sẽ tiến hành cổ phần hóa, xã hội hóa dần hoạt động kinh doanh của các DN chịu quản lý. Như vậy, sẽ thực hiện được 2 mục tiêu: Hút vốn về đầu tư các công trình trọng điểm, không làm tăng nợ công mà vẫn giữ được tổng tài sản của Nhà nước. Đồng thời huy động được nguồn lực nhàn rỗi của xã hội vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà nhà nước không cần phải trực tiếp quản lý. Riêng với SCIC, ông Kiên lý giải, sau khi được giao cho Ủy ban, SCIC sẽ là một tổng công ty của cơ quan đó, không thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn nữa mà sẽ làm nhiệm vụ đầu tư. Đây cũng là phương thức giúp SCIC hoạt động hiệu quả hơn so với thời gian vừa qua.
Đại biểu Phạm Tất Thắng cho biết thêm, mặc dù ủng hộ chủ trương thành lập một Ủy ban quản lý vốn nhà nước nhưng phải làm sao để cơ quan này được tổ chức gọn nhẹ và hoạt động hiệu quả theo hướng không phải đặt nặng việc quản lý hành chính mà phải chú trọng hiệu quả sử dụng vốn ngân sách. Bộ máy phải gọn nhẹ, cơ chế hoạt động rõ ràng, được quy định cụ thể và những con người hoạt động tại Ủy ban phải được chọn lựa kỹ càng để làm tốt chức danh, không lạm quyền, không lợi dụng chức vụ trong quá trình điều hành.
Tuy nhiên, có quan điểm trái ngược với hai vị đại biểu trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. Hồ Chí Minh) thì cho rằng: “Nếu đã giao quyền quản lý vốn ngân sách cho Bộ Tài chính rồi thì đừng “đẻ” thêm một Ủy ban nữa”.
Ông Trần Hoàng Ngân lý giải, Bộ Tài chính là đơn vị chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ về báo cáo tình hình tài chính ngân sách. Nhiệm vụ của Bộ này cũng là làm sao sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính quốc gia và Bộ này có quyền quyết định những vấn đề tài chính thuộc ngân sách nhà nước. Khi đã làm chủ tài chính là làm chủ DN và DN nào không đạt được mức trích nộp về cho ngân sách, không đạt tăng trưởng thì Bộ có quyền cắt nguồn.
“Ta đã đã có Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN và như vậy, Bộ Tài chính nên được giao quản lý về vốn. Đồng thời gắn mạnh hơn trách nhiệm giữ kỷ cương ngân sách nhà nước, đảm bảo có bội chi, quản lý tốt nợ của Chính phủ và tài sản của nhà nước. Còn nhiệm vụ sản xuất kinh doanh nên được giao hoàn toàn cho DN. DN hoạt động trong môi trường nào thì phải chịu sự giám sát của luật, chứ không nên can thiệp vào việc kinh doanh của họ nữa. Bộ Tài chính chỉ cần biết mỗi năm tỷ suất lợi nhuận bao nhiêu, trích lập bao nhiêu. Tại sao lại “đẻ” ra “siêu” Ủy ban, “siêu” bộ máy nữa? Rất mệt và cồng kềnh?” - vị đại biểu đến từ TP. Hồ Chí Minh thẳng thắn lên tiếng.