Lật tẩy chiêu thức thuê xe ô tô tự lái rồi chiếm đoạt tài sản
Trả giá đắt vì thuê xe rồi đem đi cầm cố
Có thể nói, loại hình kinh doanh cho thuê ôtô tự lái hiện nay khá phổ biến. Theo đó, người có nhu cầu thuê xe ôtô chỉ cần thủ tục đơn giản, chi phí không quá đắt đỏ, có giấy phép lái xe là có một chiếc xe để đi lại. Thế nhưng, việc giao xe cho người khác sử dụng để đi xa trong nhiều ngày, cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.
Không ít những đối tượng, băng nhóm đã lợi dụng vào việc đó thuê xe ôtô tự lái mang đi cầm cố thế chấp, lấy tiền tiêu xài cá nhân. Sau đó, các chủ xe khi phát hiện ra khách hàng biến mất cùng xe ôtô thì tá hỏa đi trình báo cơ quan Công an. Đơn cử, ngày 16/8/2023, Cơ quan Cảnh sát điều traCông an tỉnh Bắc Giang ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Nguyễn Đình Linh (SN 1988, trú tại bản Ao Tuần, xã Canh Nậu, huyện Yên Thế, Bắc Giang) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Quá trình điều tra xác định, Nguyễn Đình Linh không có nghề nghiệp, do vay nợ nhiều và không có tiền chi tiêu nên Linh đã làm giả căn cước công dân để thuê xe ôtô tự lái, thế chấp, cầm cố lấy tiền tiêu xài. Bằng thủ đoạn trên, từ ngày 14/5/2023 đến khi bị bắt giữ, thông qua hội nhóm trên mạng xã hội Facebook, Nguyễn Đình Linh đã thuê 3 xe ôtô rồi chiếm đoạt với tổng giá trị tài sản khoảng 760 triệu đồng.
Nhiều vụ việc cơ quan Công an bắt giữ kẻ lừa đảo thuê xe ô tô mang đi cầm cố |
Một vụ việc khác, vào ngày 23/6/2023, Công an huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối tượng Trương Hữu Duy (32 tuổi, ngụ thôn Đồng Tâm, xã Cù Bị, huyện Châu Đức) và Nguyễn Đình Lập (32 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước đó, ngày 9/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Đức nhận được đơn trình báo của bà Nguyễn Thị Diễm T. (ngụ xã Hòa Long, TP Bà Rịa). Theo nội dung tố cáo, ngày 25/4, bà T. ký hợp đồng cho Trương Hữu Duy thuê hai xe ôtô tự lái gồm một chiếc hiệu Kia Cerato, biển số 72A-187.06 và một chiếc hiệu Hyundai Stargazer, biển số 72A-666.23.
Sau khi hết hợp đồng, Duy tiếp tục kéo dài thời gian thuê xe, nhưng không trả tiền. Sau đó bà T. phát hiện hai chiếc xe này đã bị mất định vị. Nghi ngờ tài sản bị Duy chiếm đoạt nên bà T. đã trình báo cơ quan Công an. Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Đức đã triệu tập Trương Hữu Duy và Nguyễn Đình Lập lên làm việc. Tại cơ quan Công an, hai đối tượng khai nhận, sau khi thuê xe ôtô của bà T. đã mang đi cầm cố lấy tiền tiêu xài cá nhân.
Trên thực tế, có rất nhiều đối tượng đã bị khởi tố do có hành vi thuê xe ôtô của người khác rồi mang đi cầm cố, thế chấp vay tiền. Mặc dù sau đó các hình vi lừa đảo trên đều bị cơ quan chức năng điều tra làm rõ và các đối tượng lừa đảo bị xử lý theo quy định pháp luật, nhưng nhiều kẻ vì “tiền bẩn” mà bất chấp để thực hiện hành vi phạm tội.
Cảnh giác với kẻ lừa đảo “đội lốt” khách hàng
Trên thực tế, việc cho thuê xe ôtô tự lái là hình thức kinh doanh gặp nhiều rủi ro và đa phần khi bắt giữ được kẻ lừa đảo thì toàn bộ số tiền chiếm đoạt đã bị tiêu hết. Và khi đó, thiệt hại thuộc về phía người cho thuê và người cầm cố, mua xe.
Theo quy định của pháp luật, cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia.
Theo quy định trên, chỉ có chủ sở hữu của tài sản mới được cầm cố, thế chấp tài sản của mình. Nếu có xảy ra trường hợp, một người dùng tài sản của người khác (không được người đó đồng ý) để thế chấp, cầm cố thì giao dịch cầm cố, thế chấp thì giao dịch có thể vô hiệu.
Đối chiếu quy định này, bên nhận thế chấp, cầm cố lẽ ra không được giao kết hợp đồng thế chấp, cầm cố với người không phải là chủ sở hữu tài sản. Thế nhưng, vì hám lợi hoặc do thiếu hiểu biết pháp luật vẫn giao kết. Trường hợp này bên nhận thế chấp, cầm cố là bên rủi ro nhất vì nếu hợp đồng thế chấp, cầm cố bị vô hiệu hoặc nếu người thế chấp, cầm cố bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì tài sản phải được trả lại cho chủ sở hữu. Và quan trọng, chính việc làm này đã vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho hành vi lừa đảo của các đối tượng.
Từ những vụ việc trên, cơ quan chức năng khuyến cáo, các doanh nghiệp, cá nhân cho thuê xe tự lái cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm, cần xác minh kỹ thông tin của người thuê xe, thực hiện đầy đủ các thủ tục, biện pháp ràng buộc pháp lý đối với khách thuê xe ôtô, nhằm tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.
Theo đó, khi nhận được cuộc điện thoại của khách, cần yêu cầu cung cấp đầy đủ căn cước, chứng minh thư, hộ khẩu, tài sản thế chấp. Nếu có thể thì hãy đến tận nhà khách hàng, để nắm bắt thêm được thông tin khách hàng của mình. Ngoài ra, cần lắp thêm các thiết bị định vị để dễ dàng quản lý xe. Thường xuyên theo dõi lịch trình đi lại của xe, nếu có những bất thường thì phải trực tiếp dùng các biện pháp ngăn chặn các đối tượng chiếm đoạt tài sản và thông báo cho cơ quan Công an gần nhất.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân không nhận thế chấp, cầm cố với những phương tiện xe ôtô không rõ ràng về nguồn gốc, giấy tờ và không chứng minh được chủ sở hữu. Có như vậy, các đối tượng lừa đảo mới không còn cơ hội để chiếm đoạt tài sản.