Liên kết nhà trường – doanh nghiệp: Giải “bài toán” nhân lực
Hàng năm trên 95% sinh viên ngành công nghiệp kỹ thuật điện điện tử - Trường Đại học Sao Đỏ có việc làm ngay khi tốt nghiệp. Đặc biệt, nhiều sinh viên mới ra trường đã và đang làm lãnh đạo, quản lý quan trọng tại các DN lớn như: Samsung Việt Nam; Cannon Việt Nam… Có được kết quả này, theo T.S Nguyễn Trọng Các - Trưởng khoa Điện - Chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học Sao Đỏ là nhờ vào chủ trương của nhà trường, đó là “Đào tạo gắn với nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ - Học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tế - Nhà trường gắn liền với DN”.
Kết nối đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là hướng đi đúng |
Không chỉ riêng ở Trường Đại học Sao Đỏ, theo Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương), hiện 100% các trường trực thuộc bộ có báo cáo về hoạt động hợp tác DN trong những năm gần đây. Các hoạt động hợp tác chủ yếu gồm: Cho sinh viên tham quan, thực tập, thực hành, hướng nghiệp, tuyển dụng, cung cấp thông tin về nghề nghiệp, đào tạo ngoại ngữ…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương - cho biết, sự gắn kết giữa nhà trường và DN chưa thực sự bền vững, có chiều sâu thể hiện qua tình trạng DN không muốn cung cấp kế hoạch tuyển dụng lâu dài do biến động của hoạt động sản xuất, kinh doanh; DN đánh giá năng lực người thực tập không theo các tiêu chí chuẩn kỹ năng nghề,... Nguyên nhân là do các quy định cụ thể về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên còn chưa đầy đủ, rõ ràng; chương trình thực tập, thực hành theo quy định có hạn chế thời lượng,... Ngoài ra, hiện tại các trường vẫn chủ yếu liên kết với DN theo mô hình truyền thống là một trường và một DN để đào tạo và cung cấp nhân lực cho một hoặc một vài ngành nghề với quy mô nhỏ.
Thời gian tới, để giảm bớt sự khập khiễng giữa cung và cầu về lao động, ông Nguyễn Thế Hiếu nhấn mạnh, việc gắn kết, kết nối trong đào tạo giữa nhà trường và DN cần phải được cải thiện, thúc đẩy. Đây cũng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm để góp phần đưa ngành công nghiệp hỗ trợ trở thành một ngành công nghiệp bền vững vào năm 2025 và đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực.
Đặc biệt, nhằm đảm bảo yêu cầu đặt ra đối với ngành công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế; và trước mắt là chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng được đòi hỏi của DN trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, các cơ sở đào tạo cần kết nối DN theo chiều rộng và chiều sâu trong mọi hoạt động. Cụ thể, như xây dựng, đề xuất thí điểm các mô hình đào tạo tiên tiến, đào tạo gắn liền thực tiễn; nắm bắt nhu cầu lao động và tập trung đào tạo các lĩnh vực xã hội có nhu cầu lớn, đặc biệt là những ngành, nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, điện tử…
Trong định hướng đào tạo năm học 2021-2022, Bộ Công Thương đề nghị các trường tiếp tục kết nối chặt chẽ với DN để đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng, thương mại điện tử và kinh tế số. |