Chưa chủ động
Theo Bộ Công Thương, đối với các ngành sản xuất trong nước điểm yếu lớn nhất là phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài; không tự chủ được yếu tố đầu vào. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp còn thấp, nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng phần lớn phải NK từ nước ngoài. Sản xuất trong nước chủ yếu tập trung ở lĩnh vực gia công hạ nguồn, dẫn đến rủi ro “đứt gãy” chuỗi sản xuất càng lớn, nhất là khi nguồn cung NK có biến động.
Ngành sản xuất ôtô trong nước đang phụ thuộc nhiều vào linh, phụ kiện nhập khẩu |
Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2019 ngành điện - điện tử trong nước NK khoảng 40 tỷ USD các loại linh, phụ kiện điện tử, trong đó, nhập từ Hàn Quốc là 16,8 tỷ USD, Trung Quốc là 13,8 tỷ USD, Nhật Bản 1,7 tỷ USD.
Tương tự như ngành sản xuất, lắp ráp ôtô thương mại trong nước hiện cũng chủ yếu nhập linh kiện từ Trung Quốc, trong đó có đến hơn 70% số DN sản xuất, lắp ráp ôtô tải Việt Nam dựa vào nguồn linh kiện chính từ quốc gia này. Ngành sản xuất, lắp ráp xe du lịch (xe con) cũng bị ảnh hưởng bởi một số dòng xe NK linh kiện từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Đông Nam Á. Trong khi đó, các quốc gia này đang bùng phát dịch Covid-19 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản - một số nhà máy sản xuất ôtô và linh kiện ôtô tạm đóng cửa hoặc có nguy cơ tạm đóng cửa), hoặc đều phải phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Ấn Độ.
Phân tích sâu hơn, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp - nhìn nhận: Việc đa dạng hóa nguồn nguyên, vật liệu NK từ các quốc gia khác trong ngắn hạn để thay thế nguồn cung từ Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, bởi các nguyên, phụ liệu cao cấp hoặc các sản phẩm linh kiện, phụ tùng rất khó có thể tìm nguồn thay thế trong ngắn hạn do đặc thù phân bổ chuỗi sản xuất toàn cầu cũng như các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng riêng biệt của các công ty đa quốc gia.
“Thời gian để tìm kiếm các nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu đầu vào của các ngành có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao như điện tử hay ôtô thường mất từ 3 tháng đến 1 năm. Trong khi đó, các sản phẩm đầu vào NK từ các quốc gia khác cũng thường có giá thành cao hơn so với các sản phẩm từ Trung Quốc, và mẫu mã, chất lượng thường không đa dạng bằng”- ông Trương Thanh Hoài bày tỏ.
“Chìa khóa” là công nghiệp hỗ trợ
Để tăng tính độc lập, tự chủ cho các ngành sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài, tại Báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến các ngành công nghiệp trọng điểm vừa gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xem xét, tiến hành các giải pháp dài hạn bằng việc sớm thông qua Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Từ đó có căn cứ xây dựng các chính sách lớn và tổ chức triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương các giải pháp phát triển ngành CNHT.
Cụ thể, sớm xem xét thống nhất phương án sửa đổi quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô, khuyến khích gia tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với sản phẩm ôtô sản xuất trong nước, nhằm duy trì và từng bước phát triển công nghiệp ôtô cũng như CNHT cho ngành ôtô, trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp gần nhất.
Để làm được điều này, Bộ Công Thương cho rằng, cần thống nhất nguồn lực từ trung ương đến địa phương, tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là CNHT và một số ngành công nghiệp vật liệu quan trọng như: Thép cán nóng, sản xuất vải, dệt nhuộm hoàn tất vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào NK.
Bên cạnh đó, tăng cường các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vượt trội, nhằm đón đầu xu hướng chuyển dịch đầu tư các ngành sản xuất (trong đó có sản xuất linh, phụ kiện) từ Trung Quốc và các quốc gia khác sang Việt Nam. Đồng thời, đề xuất các gói hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, ưu đãi về thuế theo quy định pháp luật, nhằm tạo sức hút cho ngành CNHT, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước tập trung vào lĩnh vực này.
Trước mắt, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cần hỗ trợ DN trong việc giảm thời gian, chi phí thông quan, giúp DN tiếp cận nguồn nguyên, phụ liệu NK trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo tiến độ sản xuất, kinh doanh. |