Quản chặt hơn việc dùng mạng xã hội |
Đề xuất xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động |
Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, nhiều đối tượng đã lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền bạc, thông tin cá nhân trên không gian mạng... Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cảnh báo các chiêu trò lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Hiện có 3 nhóm lừa đảo chính: Giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác với 24 hình thức lừa đảo đang nhắm vào các đối tượng: Người cao tuổi, nhân viên văn phòng, công nhân, sinh viên, học sinh… Vuasanca trích đăng một số thủ đoạn lừa đảo để giúp bạn đọc nắm bắt thông tin, tránh trở thành nạn nhân của những đối tượng này. |
Mạo danh đại lý, công ty du lịch
Điển hình như: Các đối tượng vào các trang hội, nhóm du lịch công khai đăng bài viết, quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ, sau khi trao đổi thông tin, các đối tượng đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (đến 50% giá trị tour) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn và chiếm đoạt số tiền đặt cọc.
Làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân, bạn bè trong danh sách kết nối, nhắn tin với bạn bè cho biết đang bị kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức.
Đăng quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau khi nạn nhân thanh toán chi phí một phần hoặc toàn bộ, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… sau đó lấy lý do nạn nhân khai thông tin thiếu, chưa chính xác và không hoàn trả lại tiền.
Mạo danh các đại lý bán vé máy bay, tạo các trang website, trang mạng xã hội với đường dẫn, thiết kế tương tự các kênh của hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó đăng quảng cáo với mức giá hấp dẫn, giá rẻ nhiều ưu đãi so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng.
Khách hàng liên hệ đặt vé, các đối tượng sẽ gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán, sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất ra vé máy bay và ngắt liên lạc. Do mã vé máy bay đặt chỗ chưa được xuất nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết việc này khi ra đến sân bay.
Làm giả fanpage/website của các công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản thanh toán dịch vụ du lịch, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.
Lưu ý để phòng tránh
Khách hàng cần cảnh giác với những lời mời chào mua gói du lịch với giá rẻ hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Thận trọng hơn, khách hàng có thể check đường link tham khảo uy tín trước khi chuyển khoản.
Kiểm tra thông tin, check uy tín trước khi chuyển khoản đặt cọc. Ảnh: MXH |
Đối với trường hợp đặt các tour du lịch, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn… của những công ty uy tín hoặc qua các App du lịch (ứng dụng du lịch khách hàng nên giao dịch trực tiếp; nếu giao dịch online thì nên kiểm tra xác nhận danh tính công ty bằng nhiều hình thức để tránh bị lừa đảo. Có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề…
Đặc biệt, cần chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk…
Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch để tránh bị lừa đảo. Nên chọn các trang mạng xã hội (fanpage) có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán.