Đà Nẵng tuyên truyền để người dân tham gia bảo hiểm y tế |
Thay thế cơ chế bao cấp
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho biết, Luật BHYT được Quốc hội khóa XII ban hành năm 2008, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT. BHYT Việt Nam về bản chất là BHYT xã hội, là cơ chế tài chính chi trả trước, bảo đảm để người dân khi ốm đau có nguồn tài chính chi trả. BHYT Việt Nam đang từng bước thay thế cơ chế bao cấp trong khám, chữa bệnh (KCB) bằng việc nhà nước tăng đầu tư ngân sách hỗ trợ cho người dân; huy động nguồn lực từ xã hội, người dân và cộng đồng để tham gia BHYT.
Hiện, tỷ lệ dân số tham gia BHYT tăng nhanh, nhiều nhóm đối tượng được nhà nước hỗ trợ kinh phí mua BHYT, người tham gia BHYT được hưởng dịch vụ KCB, kỹ thuật y tế hiện đại, chất lượng hơn; được cung ứng thuốc KCB... Trong đó, “Quỹ BHYT đang dần trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của các bệnh viện, góp phần giảm mức chi trả từ tiền túi của người bệnh cho công tác chăm sóc sức khỏe. Luật BHYT Việt Nam đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT và là một trụ cột của chính sách an sinh xã hội” - ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Để tiến tới BHYT toàn dân và đạt mục tiêu xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả, phát triển, Quốc hội đã ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (năm 2014). Theo đó, Luật này có nhiều nội dung đổi mới, thể hiện rõ tính ưu việt của BHYT, đó là: Mở rộng đối tượng tham gia BHYT, phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT; mở thông tuyến KCB BHYT; quy định cụ thể về việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT; trách nhiệm của cơ quan quản lý…
Tháo gỡ những khó khăn
Ông Bùi Sỹ Lợi nhận định, cùng với hoàn thiện chính sách, pháp luật, đầu tư nâng cao năng lực của ngành y tế, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có những bước tiến quan trọng, tạo cơ chế tài chính bền vững trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội; tạo sự công bằng trong việc thụ hưởng phúc lợi xã hội của mọi công dân; góp phần thực hiện mục tiêu công bằng xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Tuy nhiên, hiện nay, đang có nhiều thách thức trong triển khai chính sách về Luật BHYT. Theo đó, nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động chưa tự giác, chủ động; tính tuân thủ pháp luật chưa cao là một trong các thách thức lớn trước những quy định mới về tăng độ bao phủ và tính tuân thủ tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT khi thực thi các quy định của Luật BHYT. Yêu cầu về công khai, minh bạch trong giải quyết các chế độ thụ hưởng, thủ tục hành chính còn phức tạp. Các hình thức lạm dụng BHYT ngày càng tinh vi, khó kiểm soát, phát hiện; công tác kiểm tra, quản lý hạn chế… gây bức xúc dư luận.
Để thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, phải tuyên truyền sâu rộng những nội dung cơ bản nhất của Luật BHYT; đổi mới hình thức tuyên truyền, bảo đảm phù hợp với đối tượng; kiểm soát chặt Quỹ BHYT; đơn giản hóa thủ tục thụ hưởng. Cùng đó, chính quyền địa phương cần đưa các chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT vào chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp như chỉ tiêu pháp lệnh để thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Tỷ lệ bao phủ BHYT bình quân cả nước năm 2017 đạt 85,6% dân số, nhưng chủ yếu là đối tượng được nhà nước cấp và hỗ trợ nên mức tham gia thấp, trong khi chi phí KCB lại cao hơn nhiều. Do đó, ngành BHXH Việt Nam đang nỗ lực tuyên truyền, cải thiện chính sách để tiến tới bao phủ BHYT toàn dân. |