Mã loại hình xuất nhập khẩu và hoàn thuế nhập khẩu được thực hiện như thế nào?
Theo đó, về mã loại hình, tại Quyết định số 1357/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2021 của Tổng cục Hải quan về việc ban hành bảng mã loại hình xuất nhập khẩu và hướng dẫn sử dụng, loại hình nhập khẩu A41 có tên gọi “Nhập kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện quyền nhập khẩu” được hướng dẫn cụ thể như sau: “Sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm doanh nghiệp chế xuất), doanh nghiệp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam thực hiện nhập khẩu hàng hóa theo quyền nhập khẩu để bán trực tiếp tại Việt Nam (không qua sản xuất)".
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị. Ảnh: H.Nụ |
Loại hình xuất khẩu B13 có tên gọi “Xuất khẩu hàng đã nhập khẩu” được hướng dẫn cụ thể như sau: “Sử dụng trong trường hợp: a) Xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu (chưa qua quá trình gia công, chế biến) ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất hoặc xuất khẩu tại chỗ theo chỉ định của thương nhân nước ngoài; b) Hàng hóa thanh lý của doanh nghiệp chế xuất và máy móc, thiết bị được miễn thuế thanh lý theo hình thức bán ra nước ngoài hoặc bản vào doanh nghiệp chế xuất; c) Xuất khẩu nguyên liệu, vật tư dư thừa của hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất hoặc xuất khẩu tại chỗ theo chỉ định của thương nhân nước ngoài”.
Đối với thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến thực hiện mã loại hình xuất nhập khẩu và hoàn thuế nhập khẩu, đối chiếu với các quy định hiện hành, Tổng cục Hải quan cho biết, loại hình nhập khẩu A41 là không phù hợp trong trường hợp của doanh nghiệp vì đây là trường hợp nhập khẩu hàng hóa theo quyền nhập khẩu để bán trực tiếp tại Việt Nam (không phải dùng trong trường hợp nhập khẩu để bán sang nước thứ 3).
Đối với việc hoàn tiền thuế nhập khẩu, theo Tổng cục Hải quan, khoản 3 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất nhập khẩu, quyền phân phối thuộc đối tượng chịu thuế xuất nhập khẩu.
Cũng tại điểm c khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu nhưng hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu; khoản 2 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì hàng hóa quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này được hoàn thuế khi chưa qua sử dụng, gia công, chế biến.
Chi tiết hơn tại khoản 1 Điều 34 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu, gồm: Hàng hóa nhập khẩu nhưng phải tái xuất ra nước ngoài bao gồm xuất khẩu trả lại chủ hàng, xuất khẩu hàng hóa đã nhập khẩu ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan để sử dụng trong khu phi thuế quan. Việc tái xuất hàng hóa phải được thực hiện bởi người nhập khẩu ban đầu hoặc người được người nhập khẩu ban đầu ủy quyền, ủy thác xuất khẩu”.
Căn cứ các quy định nêu trên, theo Tổng cục Hải quan, trường hợp doanh nghiệp được phép thực hiện quyền nhập khẩu theo quy định pháp luật về đầu tư và đã nộp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu phù hợp với quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật, sau đó hàng hóa được xuất bản sang nước thứ ba phù hợp với quyền xuất khẩu theo quy định của pháp luật thì được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu nếu hàng hóa này chưa qua sử dụng, gia công, chế biến tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.