Mạng xã hội: Đối thủ và đối tác của báo chí
Đây là nhận định của các đại biểu tại tọa đàm “Các xu hướng báo chí hiện đại” diễn ra ngày 9/2/2015 trong khuôn khổ Hội Báo Xuân Ất Mùi do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức.
Tọa đàm "Các xu hướng báo chí hiện đại" là buổi trao đổi nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan báo chí trước các thách thức và xu hướng làm báo hiện nay.
Mở đầu buổi tọa đàm, ông Trần Bá Dung- Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho hay, trước sự phát triển của internet, báo mạng đang trong thời kỳ hưng thịch, và làm thay đổi xã hội bằng lợi thế nhanh, liên tục, mọi nơi. Tuy nhiên, báo chí truyền thống như báo in lại chịu ảnh hưởng mang tính cách mạng đến từ sự xuất hiện của báo điện tử và từ các phương tiện di động. Trong đó, sự phát triển của smartphone đẩy phương tiện truyền thống này vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Và không chỉ báo in bị tác động và đối diện các thách thức, ngay cả lĩnh vực truyền hình cũng đang đối mặt nhiều khó khăn. Ông Phạm Anh Chiến- Giám đốc Trung tâm sản xuất và kinh doanh nội dung số VTV cũng khẳng định sức mạnh của truyền thông internet trong đời sống báo chí. Theo ông Chiến hiện nay lượng khán giả xem truyền hình sụt giảm mạnh và chuyển sang xem trên internet ngày càng nhiều lên.
Đặc biệt, tại buổi tọa đàm ông Trần Bá Dung cho rằng, mạng xã hội phát triển quá nhanh và có nhiều lợi thế đã ảnh hưởng lớn đến báo chí chính thống. Chính vì thế mà tại buổi họp tổng kết cuối năm vừa rồi của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng mới nói rằng không thể cấm người dân đưa thông tin lên mạng xã hội, mà các cơ quan nhà nước phải đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội để đánh bật thông tin không chính xác, xuyên tạc.
Từ những thách thức trên đã làm thay đổi xu hướng báo chí truyền thông. Theo ông Trần Bá Dung hiện có 5 xu hướng của báo chí hiện đại: Thông tin cập nhật liên tục; Mạng xã hội vừa là đối tác, vừa là đối thủ; Quảng cáo là nội dung thông tin và tương tác; Mọi người đều có thể làm báo; Tiện ích hóa, cá nhân hóa với công chúng.
Để thích ứng với sự thay đổi theo 5 xu hướng này, theo ông Trần Bá Dung, các cơ quan báo chí buộc phải thay đổi hoạt động. Đó là phải thay đổi từ kỹ năng tác nghiệp của nhà báo, tư duy quản lý, cách biên tập tin bài và thay đổi quan niệm về bạn đọc. Đồng thời bắt buộc xuất hiện của các nhà báo đa năng, các tòa soạn tích hợp giữa báo in, truyền hình và báo điện tử và đọc giả cũng có thể trở thành những tác giả của các sản phẩm báo chí.
Riêng đối với lĩnh vực truyền hình, ông Phạm Anh Chiến chia sẻ, đối thủ cạnh tranh của truyền hình trong tương lai là các nhà mạng, các trang báo điện tử, các mạng xã hội… chứ không phải là các đài truyền hình với nhau. Do đó để có được bước phát triển, các đài truyền hình cần thay đổi chiến lược hoạt động dài hạn, đi từng bước và xây dựng lượng khán giả lâu bền. Theo ông Chiến, hiện VTV đã và đang chuyển hướng để truyền tải thông tin “mọi nơi, mọi lúc, trên mọi thiết bị” và người dân sẽ không còn tiếp cận thông tin của VTV chỉ thông qua tivi nữa.
Chia sẻ thêm, ông Chiến cho biết, hiện VTV đang rất nỗ lực xây dựng mạng xã hội nhằm biến thành kênh tiếp xúc với khán giả, sử dụng Youtube để phát lại các chương trình trên tivi, hay dùng ứng dụng di động để cho khán giả tương tác với chương trình miễn phí; sản xuất ra sản phẩm chỉ có audio để người dùng điện thoại bình thường, không phải điện thoại thông minh cũng có thể tiếp cận được thông tin trên tivi... “Mạng xã hội vừa là đối thủ, vừa là đối tác lớn nhất. Ví dụ như ngày xưa rất sợ đưa các video VTV lên Youtube, nhưng Google bây giờ là đối tác chiến lược của VTV. Google không chỉ giúp VTV bảo vệ bản quyền trên Youtube mà còn mang lại nguồn thu cho VTV, đó là quảng cáo online. Đối thủ lớn nhất phải trở thành đối tác lớn nhất” - ông Chiến nhấn mạnh.