Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, năm 2023 đạt 19%). Và có tiềm năng trở thành nền kinh tế số có quy mô lớn thứ nhì khu vực vào năm 2030.
Số liệu mới nhất mà Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã đạt 299,63 tỷ USD, tăng trưởng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Với sự phát triển của những nền tảng trực tuyến, đây là thời điểm đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt các cơ hội quảng bá sản phẩm, dịch vụ và tiếp cận khách hàng trên toàn thế giới.
Công ty Công nghệ Snap Inc., là đơn vị đứng sau ứng dụng nhắn tin nổi tiếng Snapchat, vừa bất ngờ ra mắt thị trường Việt Nam vào sáng nay (10/10). Đáng chú ý, trong lần ra mắt này, Snapchat chỉ tập trung giới thiệu giải pháp quảng cáo “Snapchat for Business” dành cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu tiếp cận đến các thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường mà ứng dụng này có đông đảo người dùng như: Mỹ, châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ.
Theo đại diện của Snapchat, trong gian đoạn đầu, Snapchat sẽ tập trung cung cấp dịch vụ quảng cáo nhắm đến 3 nhóm đối tượng người dùng ở Việt Nam gồm: các doanh nghiệp xuất khẩu xuyên biên giới, các nhà cung cấp dịch vụ game và các công ty du lịch lữ hành.
Ông Ajit Mohan, Chủ tịch Snap Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết, việc ra mắt Snapchat for Business ở thị trường Việt Nam mang đến cơ hội giúp các doanh nghiệp tại đây có thể dễ dàng kết nối nhóm đối tượng khó tiếp cận nhưng có mức độ tương tác cao trên Snapchat từ khắp nơi trên thế giới. “Với các định dạng quảng cáo sáng tạo và lượng người dùng lớn của Snapchat, chúng tôi cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình chinh phục thị trường quốc tế” - ông Ajit Mohan khẳng định.
Snapchat giới thiệu giải pháp quảng cáo “Snapchat for Business” dành cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu tiếp cận đến các thị trường quốc tế |
Chủ tịch Snap Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, nhu cầu quảng cáo xuyên biên giới của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khá lớn. Theo số liệu từ báo cáo về chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2024 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), doanh thu xuất khẩu B2C của Việt Nam dự kiến đạt 5,5 tỷ USD vào năm 2027. Bên cạnh đó, theo số liệu của công ty Statista, mức chi tiêu cho quảng cáo trong ứng dụng (in-app) của ngành phát triển ứng dụng Việt Nam dự kiến sẽ tăng nhanh từ 166,25 triệu USD vào năm 2024 lên 247,55 triệu USD vào năm 2028.
Giải pháp Snapchat for Business trang bị cho doanh nghiệp những công cụ tối ưu để tiếp cận và tương tác hiệu quả với khách hàng ở mọi giai đoạn của phễu tiếp thị - từ giai đoạn khám phá, cân nhắc đến quyết định mua hàng. Các tính năng chính của giải pháp Snapchat for Business gồm Takeovers (quảng cáo xuất hiện ngay khi người dùng khởi động ứng dụng), Reach & Frequency (phạm vi tiếp cận và tần suất hiển thị), quảng cáo AR (thực tế ảo) và dynamic product ads (quảng cáo động) tự động hóa và tối ưu hóa giúp nhà quảng cáo và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu, mang lại hiệu quả cao hơn.
Tại Việt Nam, MediaDonuts by Aleph là đại diện độc quyền cung cấp các giải pháp quảng cáo của Snapchat cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuyên biên giới. Ông Pieter-Jan de Kroon, Giám đốc Điều hành MediaDonuts by Aleph, chia sẻ: “Là đại diện độc quyền của Snap, chúng tôi vui mừng góp phần đưa giải pháp quảng cáo Snapchat Ads đến Việt Nam. Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử và ứng dụng di động. Chúng tôi hướng đến việc hỗ trợ và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc cung cấp các giải pháp quảng cáo mạnh mẽ của Snap và dịch vụ hỗ trợ toàn diện, giúp họ tiếp cận thị trường quốc tế và vượt qua giới hạn địa lý để đạt được tăng trưởng”.
Snapchat là nền tảng nhắn tin và chia sẻ hình ảnh, video phổ biến. Nền tảng này hiện có hơn 850 triệu người dùng mỗi tháng và 432 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày. Mỹ, Châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ là những khu vực có lượng người dùng Snapchat nhiều nhất.