CôngThương - Mô hình "đàn sếu bay" trong phát triển công nghiệp theo kinh nghiệm thực tế có thể được chia thành các giai đoạn: nhập khẩu, sản xuất và thay thế hàng nhập khẩu, xuất khẩu, bắt kịp đầu tư trực tiếp nước ngoài và tái nhập.
Hiện Băngladesh là một nền kinh tế thị trường mở, huy động sự phát triển của nền kinh tế tư nhân, ngành may mặc phát triển rất mạnh mẽ. Các doanh nghiệp tại Bangladesh cũng gặp nhiều vấn đề như tham nhũng, chính phủ không hỗ trợ cho hàng hóa xuất khẩu, các vấn đề tài chính như vốn, mở rộng doanh nghiệp, lãi suất các khoản vay công nghiệp cao (hơn 17%), các vấn đề thông tin truyền thông...
Từ đầu những năm 1980, Băngladesh đã thực hiện hàng loạt các cải cách kinh tế để mở rộng thị trường dưới sự bảo trợ của IMF và Ngân hàng thế giới. Một chính sách nhập khẩu năm 1982 đưa ra được một chiến lược phát triển lâu dài cho ngành xuất khẩu, được dẫn đầu bởi khu vực tư nhân.
Trước đây, về cơ bản ngành dệt may Bangladesh là ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu. Ngành công nghiệp may sẵn bắt đầu được xuất khẩu bao gồm dệt thoi, dệt kim và len. Giá trị xuất khẩu ngành này đạt 40 nghìn USD vào năm 1978, năm 1991 đạt 1,12 tỷ USD. Đến năm 2011 tổng giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp may sẵn đạt tới 19,09 tỷ USD, tăng 6,56% so với xuất khẩu năm 2011. Tổng giá trị xuất khẩu dệt may đạt 5,7 tỷ USD, với hơn 400 triệu hàng may mặc xuất khẩu. Ngành công nghiệp may sẵn xuất khẩu 57% tới EU, 20% tới Mỹ và 23% tới các nước khác như Canađa và Úc. Băngladesh đã đạt được những thành tựu vượt bật trong nhiều lĩnh vực phát triển theo xu hướng công nghiệp hóa, đặc biệt sự phát triển trong ngành công nghiệp may sẵn theo mô hình “đàn sếu bay”.
Quá trình phát triển của ngành công nghiệp may sẵn ở Băngladesh cho thấy một mô hình tương đồng với thương mại nội vùng và sự tăng trưởng đầu tư. Với mô hình “đàn sếu bay” trong sự phát triển của ngành công nghiệp, các nước đi sau sử dụng thành tựu kỹ thuật công nghệ của ngành đi trước. Trong bối cảnh này, mô hình “đàn sếu bay” có thể được hiểu như một yếu tố bên ngoài đối với Băngladesh.
Ông Đào Ngọc Tiến- Trưởng phòng giảng viên thương mại quốc tế- cho biết, Băngladesh và Việt Nam có một số điểm tương đồng mà Việt Nam có thể học tập. Hai nước cùng khai thác lợi thế lao động giá rẻ. Thực trạng vị trí của Băngladesh và Việt Nam là như nhau. Hiện ngành dệt may của Việt Nam vẫn đang ở vị trí lưng chừng, chủ yếu vẫn là gia công chứ chưa chủ động hoàn toàn. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn đang lúng túng trong việc chọn hướng đi là nên sản xuất các nguyên phụ liệu hay sản xuất đến sản phẩm cuối cùng. Kết hợp nguồn lực trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài hay các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài kết hợp để cùng tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.