Sáp nhập là cách của nhiều ngân hàng mạnh để mở rộng mạng lưới trong khi các ngân hàng nhỏ hơn phải tự nỗ lực bằng việc đảm bảo an toàn vốn và nợ xấu dưới 3% |
Những năm trước, các ngân hàng đua nhau mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, trong đó có nhà băng chẳng màng tới việc hiệu quả đến đâu mà dường như chỉ cố làm cho thương hiệu được phủ rộng theo kiểu “phô trương”. Chẳng thế mà bây giờ, ở nhiều tuyến phố, người dân không khó để bắt gặp các phòng giao dịch ngân hàng. Nhiều người nói vui, cứ “ra ngõ là gặp ngân hàng”.
Tình trạng ồ ạt mở rộng mạng lưới giờ đây đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết khá chặt bằng các quy định, trong đó có chỉ tiêu về nợ xấu. Cụ thể, nếu ngân hàng nào không đưa được nợ xấu về dưới 3% thì sẽ không được mở mới các phòng giao dịch, chi nhánh, kể cả các điểm đặt máy ATM, văn phòng đại diện hay các nghiệp vụ kinh doanh mới. Thế nhưng không vì quy định này mà các ngân hàng ngồi “bó tay”. Nhà băng lớn vẫn có cách của kẻ mạnh và ngân hàng nhỏ cũng có cách của riêng họ.
Sáp nhập để tăng quy mô
Mua bán, sáp nhập (M&A) để tăng quy mô mạng lưới là cách không ít các ngân hàng lớn lựa chọn trong thời gian qua. Mặc dù việc sáp nhập nhiều trường hợp được đánh giá là ngay lập tức không có lợi cho cổ đông của bên ngân hàng lớn nhưng theo lý giải của lãnh đạo các ngân hàng thì trong dài hạn các ngân hàng M&A sẽ được lợi rất lớn.
Ngoài những lợi ích như có được hệ thống nhân sự đã qua đào tạo bài bản, có lượng khách hàng nhất định, thì một điểm lợi dễ nhận thấy nhất đó là các ngân hàng ngay lập tức được mở rộng hệ thống theo phép tính cộng.
Chẳng hạn như Sacombank nhận sáp nhập SouthernBank đưa hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch từ con số hơn 400 lên 563 điểm, đồng thời trong 3 năm tiếp theo ngân hàng sẽ mở thêm 82 điểm giao dịch mới. Hay trường hợp của BIDV, sau khi nhận sáp nhập MHB, ngân hàng này cũng có tới 980 điểm giao dịch trong đó 182 Chi nhánh và 798 Phòng giao dịch, mà theo như cách lý giải của CEO ngân hàng này thì bằng việc sáp nhập BIDV đã rút ngắn tới 7 năm mở rộng mạng lưới.
Các ngân hàng khác cũng lựa chọn phương án sáp nhập và tăng quy mô nhanh chóng như HDBank nhận sáp nhập DaiABank, hệ thống của SHB cũng tăng lên sau khi nhập Habubank, Maritimebank khi nhận MDB, hay hệ thống của SCB sau khi sáp nhập SCB, TinNghiaBank, Ficombank, và rồi tới đây là trường hợp của Vietinbank sau khi có PGBank.
Ngân hàng nhỏ phải tự lực
Ngân hàng lớn thì chọn cách M&A để mở rộng hệ thống một cách nhanh nhất, nhưng còn những ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, những nhà băng không hoặc chưa tìm được đối tác phù hợp cũng không thể khoanh tay đứng nhìn các nhà băng lớn “bành trướng”. Họ, buộc phải bằng nội lực của bản thân mình, để vươn lên và vẫn được thị trường đón nhận. Mà một trong những nỗ lực ấy là lành mạnh hóa hoạt động, mạnh tay xử lý nợ xấu để được NHNN cấp phép cho mở rộng mạng lưới.
Mới đây, một số liệu của NHNN cho thấy, đã có hơn 20 ngân hàng đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% trước thời điểm 30/9. Và với quy định về mở rộng mạng lưới thì không khó để hiểu vì sao danh sách ấy phần lớn là những tên tuổi của nhóm ngân hàng nhỏ. Tất nhiên, danh sách này cũng đã tăng lên khi các ngân hàng công bố báo cáo tài chính sau đó cho thấy tỷ lệ nợ xấu hầu hết đã về dưới mức quy định của cơ quan quản lý.
Nợ xấu của nhiều ngân hàng đã về dưới 3% trước 30/9
Nằm trong danh sách này có trường hợp đáng chú ý là của Nam A Bank, Vietcombank, HDBank... Trong tháng 11 này, NHNN đã cấp phép cho Nam Á mở thêm 4 phòng giao dịch (1 ở Đà Nẵng và 3 phòng giao dịch ở Bình Dương), cùng với 5 chi nhánh được chấp thuận mở thêm trước đó, đưa con số được mở mới lên con số 9. Vietcombank cũng được NHNN chấp thuận cho mở thêm 5 chi nhánh, hay HDBank có thêm phòng giao dịch ở Bến Tre…
Theo nhận định của một lãnh đạo ngân hàng, câu chuyện mở rộng mạng lưới vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của hệ thống và bất cứ ngân hàng nào cũng coi trọng. Dù NHNN đưa ra các quy định để siết chặt hệ thống, nhưng đó không phải là cách cơ quan quản lý chặn các ngân hàng, mà đó là hướng tới mục tiêu lành mạnh hóa hệ thống, coi trọng chất lượng hơn số lượng.
Vị lãnh đạo này cũng bày tỏ, việc siết chặt mạng lưới là cần thiết, nhưng hệ thống ngân hàng cũng cần được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo rằng cuộc đua mở rộng mạng lưới hoàn toàn chấm dứt, chỉ còn những ngân hàng nào thực sự vững mạnh mới có thể được gia tăng độ phủ thương hiệu.