Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Không sợ không có thị trường nếu sản phẩm đạt tiêu chuẩn
Việc tham gia Hiệp định thương mại tự do EVFTA luôn tạo ra cơ hội và thách thức song hành, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp, người dân phải tận dụng, biến bất lợi thành lợi thế. Những ưu đãi về thuế quan có thể thúc đẩy đưa hàng nông sản của Việt Nam đến với nhiều thị trường. Không có ngành hàng nào chỉ toàn lợi thế và ngành hàng nào chỉ toàn bất lợi. Ngay cả ngành gỗ, lợi thế sẽ mất nếu chúng ta không minh bạch hóa nguồn nguyên liệu, không trồng rừng có chứng chỉ. Nhưng ngành chăn nuôi tưởng là bất lợi nhưng chúng ta có những mặt hàng đặc thù. Nói cách khác, nếu khai thác tốt thế mạnh, làm ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn thì không sợ không có thị trường.
Chính phủ, các bộ ngành chức năng luôn quan tâm đến vấn đề này để định hướng cho doanh nghiệp, người dân chủ động thích ứng. Chúng ta cố gắng vượt qua các rào cản trên tinh thần minh bạch, đồng bộ, phải tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng, phải coi thị trường 100 triệu dân trong nước như thị trường xuất khẩu để cung cấp hàng hóa đạt chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn. Lưu ý, nếu hàng của chúng ta đạt chuẩn, bán ở đâu cũng được.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam: Việt Nam là một thị trường có sức hút lớn
Đầu tiên tôi xin được chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì kết quả tuyệt vời này. Sau một thời gian dài đàm phán cuối cùng EVFTA và IPA cũng đã được ký kết. Điều này chứng tỏ Việt Nam là một thị trường có sức hút lớn, có độ mở thương mại cao và Việt Nam nên cần tận dụng hết những cơ hội này mang lại.
Có thể nói, đây là một bước ngoặt mang tính chất lịch sử và có lẽ ảnh hưởng của nó còn vượt ra ngoài quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và EU. Trong bối cảnh làn sóng bảo hộ thương mại giữa các nước đang nổi lên như hiện nay thì đây là một tín hiệu rất tích cực, cho thấy việc ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại của cả hai bên.
Rõ ràng EVFTA sẽ đem lại những lợi ích, cơ hội và thách thức, thậm chí cả rủi ro cho Việt Nam. Sẽ có rất nhiều lĩnh vực mà Việt Nam sẽ cần phải tăng cường nâng cao tiêu chuẩn của mình để đáp ứng được thị trường châu Âu. Nhưng một khi đã đáp ứng được những tiêu chuẩn cao của thị trường này thì các doanh nghiệp Việt Nam còn có cơ hội vươn rộng hơn chứ không chỉ trong khuôn khổ các nước EU.
Ông Michele D'Ercole – Chủ tịch phòng Thương mại Italia tại Việt Nam: Nhiều doanh nghiệp Italia mong chờ FTA được ký kết
Có rất nhiều doanh nghiệp Italia đang đầu tư tại Việt Nam chờ đợi EVFTA được ký kết và có hiệu lực. Điều này cũng có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Italia. Tôi rất tự tin cho rằng, một khi EVFTA có hiệu lực sẽ tạo động lực cho chính phủ hai nước nâng tầm quan hệtheo hướng chất lượng cao.
Tuy nhiên, để tiếp cận tốt hơn thị trường EU, DN Việt cần nâng cao hơn nữa dây chuyền sản xuất để có được thành phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của thị trường. Thực tế tại nhiều địa phương, các DN Việt vẫn còn khá khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn này. Italia có thể giúp đỡ DN Việt Nam trong bối cảnh rất nhiều sản phẩm của Italia đã có mặt tại thị trường châu Âu. ICHAM cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc tổ chức các buổi hội thảo về vấn đề này. Đồng thời, trong quá trình Việt Nam thực thi FTA, chúng tôi cũng sẽ chỉ dẫn các DN nhỏ và vừa tiếp cận thị trường EU cũng như thị trường Italia.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): “Đường cao tốc” đưa hàng hóa Việt Nam đến thị trường lớn nhất thế giới
Châu Âu (EU) là một nền kinh tế lớn hàng đầu trên thế giới, khi thiết lập được nền tảng thương mại tự do đối với thị trường này, có thể ví như chúng ta đã xây dựng được một tuyến “đường cao tốc” hướng tây để kết nối nền kinh tế Việt Nam với một trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ hàng đầu của thế giới.
Khi EVFTA được ký kết và thực thi, việc tăng lên gấp đôi, gấp ba kim ngạch xuất khẩu trong tương lai là hoàn toàn có thể đạt được. Ngoài ra, tác động của EVFTA còn giúp nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Một điều nữa cần lưu ý, khi làm ăn với EU – đối tác dẫn dắt thế giới và khó tính, doanh nghiệp Việt cần phải có những thay đổi. Các doanh nghiệp sẽ không có thị trường nếu không minh bạch, nâng cao chất lượng và phát triển bền vững.
Ở EU, họ để ý quá trình sản xuất hàng hóa, sản phẩm có nhân văn hay không. Nếu phát hiện hàng nhập khẩu đó tiếp tay cho sự không nhân văn, hủy diệt tài nguyên thì họ sẽ tẩy chay. Khi chơi với EU hay với Mỹ, Nhật Bản, doanh nghiệp không thể chơi kiểu “tù mù”, mà phải chơi kiểu chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Định – Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam: Cần nâng cao trình độ, năng lực sản xuất cho nông dân
Để người nông dân chủ động thích ứng với những thời cơ cũng như thách thức mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, các ngành chức năng cần tăng cường thông tin cho các doanh nghiệp và nông dân. Nâng cao trình độ, kỹ năng sản xuất, tuân thủ các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp trong sử dụng đầu vào, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tập trung vào những nông dân có năng lực, có nguyện vọng gắn bó lâu dài với nông nghiệp để hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.
Để hội nhập thành công, ngành nông nghiệp cần quy hoạch, tổ chức lại sản xuất. Trong đó, không chỉ chú trọng phát triển nông nghiệp quy mô lớn, mà cần quan tâm cả kinh tế quy mô hộ gia đình, từ đó có chính sách hỗ trợ riêng. Phấn đấu không để nông dân, người sản xuất nhỏ bị bỏ lại trong quá trình hội nhập. Tạo cơ chế hình thành và phát triển các hợp tác xã kiểu mới huy động sự tham gia của hộ sản xuất và nông dân, tạo cơ chế đất đai, nâng cao năng lực lập kế hoạch sản xuất và quản trị của lãnh đạo hợp tác xã.
Hội Nông dân Việt Nam với lợi thế có hệ thống chân rết xuống tận thôn bản sẽ nỗ lực vào cuộc tuyên truyền đến nông dân về những cơ hội, thách thức có thể mang lại từ FTA trong đó có EVFTA.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): Cơ hội mở thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm
EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam với tỷ trọng trên 17-18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Do đó, Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) được chúng tôi nhận định sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các DN thủy sản.
Ngoài những lợi ích cơ bản là thuế XNK, tham gia EVFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với các đối tác (Ấn Độ, Thái Lan); Thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm; Tạo ra động lực mở cửa thị trường, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp hai bên; Có điều kiện tham gia chuỗi cung ứng khu vực nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia; Được đảm bảo môi trường kinh doanh và thể chế ổn định, minh bạch hơn (nhờ cải thiện quy định, chính sách phù hợp theo các điều khoản FTA).
Tuy nhiên, sẽ có những thách thức mới như các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn, trong khi sản phẩm của ta so với các nước đối tác FTA kém cạnh tranh hơn về giá thành, đồng thời sản phẩm thủy sản của ta phải cạnh tranh với chính sản phẩm của các nước đối tác FTA…
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh: Dòng đầu tư từ EU vào Việt Nam sẽ tăng trưởng
EVFTA là tin vui dành cho các DN xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó các mặt hàng xuất khẩu sang EU có lợi thế như đồ gỗ, may mặc, nông thủy sản. Dòng đầu tư từ các DN EU vào Việt Nam dự báo cũng sẽ tăng trưởng tốt mang theo các DN lớn, công nghệ hiện đại đầu tư vào các ngành sản xuất của Việt Nam.
Khó khăn và thách thức dành cho các DN và nền kinh tế Việt Nam là hàng hóa từ các nước EU cũng sẽ đổ vào Việt Nam, các DN sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn. Tuy nhiên có một điểm thuận lợi là việc giảm thuế thực hiện trong khoảng thời gian dài tạo điều kiện cho các DN có thời gian chuẩn bị. Do vậy, ngoài việc các DN Việt Nam đặc biệt là các DN xuất khẩu phải nâng cao năng lực cạnh, hoàn thiện quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm..., thì từ phía bộ máy quản lý nhà nước cũng phải cải tiến, rà soát lại các văn bản pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết, cải cách thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh đã cam kết trong EVFTA.