Triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (sau đây gọi là Nghị quyết số 52-NQ/TW), Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch số 15-KH/BCSĐ ngày 28 tháng 4 năm 2020 về việc thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW trong đó đã đề ra 06 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện trong thời gian tới, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện, cụ thể: (1) Hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số; (2) Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ quá trình chuyển đổi số và phát triển của ngành Công Thương; (3) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp 4.0; (4) Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (5) Tăng cường hợp tác quốc tế; (6) Tuyên truyền phổ biến, quán triệt đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong triển khai thực hiện Nghị quyết.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để xây dựng các Chiến lược, Đề án của Chính phủ, cụ thể: Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia vào cuộc CMCN4.0 (do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng); Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng).
Sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 15-KH/BCSĐ của BCSĐ có thể kể đến những kết quả bước đầu như sau:
Một là, tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều nhiệm vụ hướng tới chủ động tham gia CMCN 4.0: đề án phát triển Thương mại Điện tử và Kinh tế số đến năm 2025; đề án “Đánh giá tác động của CMCN4.0 đến hoạt động xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, đề xuất cơ cấu xuất khẩu phù hợp với xu hướng CMCN4.0”; đề án Tăng cường hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại và hệ thống tài liệu điện tử và quản lý vụ việc trong lĩnh vực phòng vệ thương mại; đề án Xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và nâng cao năng lực của lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc giai đoạn 2019-2021; đề án “Đánh giá tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đến hoạt động xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, đề xuất cơ cấu xuất khẩu phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0”; đề tài “Đánh giá tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến phát triển hộ kinh doanh cá thể của Việt Nam”; dự thảo “Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; đề án “Chuyển đổi số Bộ Công Thương”; chú trọng đến nội dung đổi mới công nghệ và chuyển đổi số trong nghiên cứu, triển khai đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030, v.v; Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3138/QĐ-BCT ngày 16/10/2019, triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ”.
Hai là, hoàn thành việc rà soát, đánh giá việc thực hiện các Chiến lược, Đề án, Quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt giai đoạn đến 2020, tầm nhìn đến 2025, 2030 và kiến nghị điều chỉnh, lồng ghép các nội dung về tăng cường năng lực tiếp cận và ứng dụng thành quả của cuộc CMCN4.0. Hiện nay, trong quá trình xây dựng các Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trong giai đoạn tiếp theo, Bộ đã quán triệt và yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, đánh giá tác động của CMCN4.0 tới phát triển ngành, lĩnh vực và đề xuất định hướng phát triển, giải pháp phù hợp.
Ba là, trong quá trình tổng kết thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản có liên quan, Bộ đã ghi nhận tác động, ảnh hưởng của các mô hình kinh doanh mới được phát triển trên nền tảng của CMCN4.0, trên cơ sở đó, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ của cuộc CMCN4.0.
Bốn là, các nội dung về kinh tế số và chuyển đổi số được đưa vào chương trình làm việc với các đối tác quốc tế, chủ động phối hợp với các quốc gia và doanh nghiệp có kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ cao để giải quyết các bài toán công nghệ, phát triển sản xuát thông minh, năng lượng tái tạo, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, v.v.; đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp có thể mạnh, kinh nghiệm trong việc thực hiện chuyển đổi số, phát triển công nghiệp 4.0 như: Tập đoàn Siemens, Hội đồng phát triển kinh tế của Singapore, Tổ chức phát triển công nghiệp của Nhật Bản (JICA); đề cao việc thường xuyên theo dõi diễn biến của thị trường, tình hình kinh tế chính trị trong và ngoài nước, từ đó chủ động có những tham mưu đề xuất kịp thời trong bối cảnh tác động sâu rộng của CMCN 4.0 đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Năm là, hoàn thành việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ sản xuất trong bối cảnh và yêu cầu của cuộc CMCN4.0. Đồng thời Bộ đang tiếp tục hợp tác với tổ chức KOSEN - Nhật Bản để thí điểm mô hình đào tạo kỹ sư thực hành trong các trường của Bộ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành: Điện tử công nghiệp, Cơ điện tử, Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử.
Sáu là, tích cực triển khai các hệ thống thông tin, điều hành, văn bản trực tuyến đảm bảo hiệu quả sử dụng và bảo mật chặt chẽ. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát việc chủ động ứng dụng công nghệ 4.0 các hình thức truyền thông trực tuyến, tổ chức họp online… đã mang lại những kết quả tích cực, tạo sự thông suốt trong công tác chỉ đạo điều hành của Bộ; các hoạt động trao đổi với đối tác, xúc tiến thương mại đa biên nhờ thế mà không bị gián đoạn, đứt gãy. Cùng với đó Bộ cũng đã xây dựng các cơ sở dữ liệu kỹ thuật số phục vụ quản lý và chuyên môn như hệ thống dữ liệu doanh nghiệp xuất khẩu và thông tin về các nhà phân phối nước ngoài, dữ liệu thương mại hàng tháng với các quốc gia đối tác, hệ thống số liệu sử dụng năng lượng trọng điểm, v.v.; xây dựng "Cổng kết nối thông tin trực tuyến mạng lưới xúc tiến thương mại quốc gia” liên kết thông tin mạng lưới xúc tiến thương mại quốc gia (các Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại, Hiệp hội…) có hỗ trợ đăng nhập qua các mạng xã hội.
Bảy là, tăng cường triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 như: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền cấp của Bộ Công Thương, thủ tục cấp các Giấy phép kinh doanh xăng dầu, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn và môi trường công nghiệp. v.v. hướng tới kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.