Mỹ phẩm 'handmade': Đừng đặt cược tính mạng bằng niềm tin
Thời gian gần đây mỹ phẩm tự chế hay mỹ phẩm handmade đang làm mưa làm gió trên các diễn đàn mạng với lời quảng cáo là nguồn gốc hoàn toàn thiên nhiên, an toàn cho người sử dụng, giá thành lại rẻ hơn hẳn. Tuy nhiên, các loại mỹ phẩm này không có cơ quan nào kiểm định được độ an toàn, tất cả khách hàng chỉ mua với niềm tin vào lời quảng cáo của người bán.
Mỹ phẩm "handmade" làm mưa gió trên các diễn đàn mạng trong 2-3 năm trở lại đây.
Mỹ phẩm handmade rất đa dạng chủng loại, từ những thứ đơn giản như dầu dừa đến son môi, kem dưỡng da và cả những thứ phức tạp hơn như kem trắng da, phấn trang điểm. Thời gian gần đây, dòng mỹ phẩm làm mưa, làm gió trên thị trường làm đẹp. Những người làm mỹ phẩm tự chế hầu hết không có kiến thức gì về hóa học, về mỹ phẩm mà chỉ trộn các thành phần thiên nhiên có tác dụng dưỡng da vào với nhau theo tỷ lệ bất kỳ, với công thức đơn giản và lợi nhuận khá lớn.
Chỉ qua vài khâu chế biên đơn giản người bán đã có thể có những thành phẩm bán với giá cao gấp ba bốn lần chi phí. Điều đáng bàn là các loại mỹ phẩm này không có cơ quan nào kiểm định được độ an toàn và chưa chắc xuất xứ. Bên cạnh đó, không phải hoàn toàn những sản phẩm này có nguồn gốc từ thiên nhiên, bởi chắc chắn sẽ có những thành phần được tổng hợp từ hóa học như hương liệu, chất xúc tác, và đặc biệt là chất bảo quản. Nếu không có chất bảo quản thì không thể duy trì các loại mỹ phẩm này trong thời gian dài.
Điều đáng nói là do không có kiến thức nên việc chế biến, đo lường chắc chắn không đảm bảo, thậm chí không hợp vệ sinh. Chưa kể, có nhiều nơi dùng cả tạp chất, như dùng chất tẩy rửa trong chế biến dẩu dừa, để tăng thêm lợi nhuận. Đã có rất nhiều người sau khi dùng mỹ phẩm tự chế đã phải đến bệnh viện do bị dị ứng, mụn rộp, mẩn đỏ, ngứa, lở loét, hoại tử. Khá nhiều trường hợp da đã tổn thương nặng và khó phục hồi.
TS Vũ Mạnh Hùng, PGĐ Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho rằng việc tự chế mỹ phẩm có thể gây nhiều hiểm họa cho da, đặc biệt là các thành phần trong sản phẩm đôi khi còn tương tác, phản ứng với nhau. Với một số trường hợp có thể gây viêm da, kích thích vi khuẩn đang tồn tại trên bề mặt da, gây hậu quả nghiêm trọng tới da.
Một chuyên gia da liễu Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, nhiều nơi đã quảng cáo quá mức về công dụng của các sản phẩm điều trị sẹo lõm, rạn da, nám, thâm, làm trắng da…Bởi kết cấu da còn liên quan tới gen nên việc điều trị chỉ có tác dụng phần nào nếu là sản phẩm chính hãng. Còn với các sản phẩm kiểu chiết xuất và pha chế như trên đôi khi còn gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Mỹ phẩm handmade tự chế đôi khi còn gây nguy hiểm nặng và khó phục hồi với người sử dụng.
Trước tình trạng mỹ phẩm “handmade” thiếu độ an toàn được rao bán tràn lan trên mạng, không được kiểm định về chất lượng, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết sẽ siết chặt quản lý mỹ phẩm tự chế.Khi đưa bất cứ sản phẩm mỹ phẩm nào ra thị trường, sản phẩm này phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Các cá nhân, tổ chức đưa sản phẩm này ra lưu thông theo quy định và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Và khi lưu thông trên thị trường các sản phẩm mỹ phẩm phải được thực hiện ghi nhãn có đầy đủ nội dung theo quy định để bảo vệ sức khỏe ngươi tiêu dùng.
Theo các quy định hiện hành, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm phải có giấy phép đăng ký kinh doanh (phạm vi hoạt động kinh doanh, sản xuất đối với mặt hàng mỹ phẩm). Đồng thời, các cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP - ASEAN): Phải có đội ngũ nhân sự có kiến thức chuyên môn đáp ứng yêu cầu của CGMP; có hệ thống quản lý, kiểm tra chất lượng đầy đủ; xây dựng nhà xưởng, theo báo VietNamNet.