Năm 2020 sẽ đạt 330 tỷ kWh điện sản xuất và nhập khẩu
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chủ trì buổi họp báo
- Nội dung chính của Quy hoạch điện VII bao gồm: quy hoạch phát triển nguồn điện; quy hoạch phát triển lưới điện; hợp tác liên kết lưới điện với các nước trong khu vực; cung cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo; vốn đầu tư cho thực hiện quy hoạch.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt một số giải pháp đồng bộ cho ngành điện. Đó là: đảm bảo an ninh cung cấp điện; tạo nguồn vốn đầu tư phát triển; giải pháp về giá và đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động điện lực. Ngoài ra còn các giải pháp về môi trường; chính sách phát triển khoa học – công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và phát triển ngành cơ khí điện và nội địa hóa; sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phân công chi tiết các nhiệm vụ của các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn nhà nước có liên quan trong việc tổ chức và thực hiện quy hoạch được duyệt.
Đặc biệt, điều chỉnh giá điện hợp lý là một trong những lời giải quan trọng cho bài toán vốn đầu tư. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, với nhu cầu đầu tư 5-6 tỷ USD mỗi năm, giá bán hiện nay vẫn chưa đủ khả năng thu xếp vốn cho ngành. Quy hoạch điện VII sẽ điều chỉnh giá điện tiến tới tiệm cận thị trường. Mục tiêu đến năm 2020, giá điện được điều chỉnh dần từng bước để đạt 8 - 9 UScents/kWh, nhằm bảo đảm cho ngành điện có khả năng phát triển bền vững.
Điểm mới trong Quy hoạch điện VII là đưa ra mục tiêu cụ thể về ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển điện hạt nhân, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm dần hệ số đàn hồi giữa tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện và GDP từ 2 lần hiện nay xuống còn 1,5 lần vào năm 2015, tiếp tục giảm xuống 1 lần vào năm 2020. Đổi mới công nghệ các nhà máy theo hướng thân thiện với môi trường. Kết hợp với nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện; cung cấp đầy đủ điện năng với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Theo Quy hoạch, tổng vốn đầu tư cho toàn ngành đến năm 2020 khoảng 929,7 nghìn tỷ đồng (tương đương với 48,8 tỷ USD). Trong giai đoạn 2011 - 2030, vốn đầu tư lên tới khoảng 2.359 nghìn tỷ đồng (tương đương 123,8 tỷ USD). Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 vào khoảng 194-210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330-362 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 695-834 tỷ kWh.
Để thực hiện Quy hoạch, thị trường phát điện cạnh tranh sẽ từng bước hình thành. Nhà nước chỉ giữ độc quyền lưới điện truyền tải để đảm bảo an ninh hệ thống năng lượng quốc gia. Các tập đoàn: Điện lực, Dầu khí, Công nghiệp Than- Khoáng sản sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển nguồn. Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm phát triển hệ thống truyền tải.
Ngọc Loan