Nhằm thảo luận về những tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đến ngành công nghiệp Việt Nam, ngày 1/3, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) đã tổ chức Diễn đàn “Hiệp định TPP- Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Chính phủ và Bộ Công Thương luôn nỗ lực trong công tác kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các thị trường lớn trên thế giới thông qua việc đàm phán, ký kết các hiệp định tự do thương mại song phương, đa phương.
“Đến nay, có thể nói Việt Nam là một trong những cửa ngõ hiếm hoi trên thế giới thông thương tự do với tất cả các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, ASEAN, Nga, Úc-NewZeland…”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Hơn thế nữa, TPP tiến tới việc xóa bỏ hoàn toàn thuế quan giữa các nước thành viên, tạo điều kiện cho mỗi quốc gia thực hiện tái cơ cấu hoạt động sản xuất công nghiệp, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương - cho biết, với TPP, phần lớn các mặt hàng công nghiệp chế tạo, thiết bị điện, điện tử sẽ hưởng thuế nhập khẩu là 0% tại 11 nước ngay khi TPP có hiệu lực.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Hoa Kỳ là thị trường chính mà Việt Nam muốn hướng tới trong TPP. Nhờ nỗ lực đàm phán, ngay khi hiệp định có hiệu lực, Hoa Kỳ sẽ xóa bỏ ngay 85,6% tổng số dòng thuế liên quan đến hàng công nghiệp, tương đương với 74,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Vào năm thứ 10, Hoa Kỳ sẽ xóa bỏ xấp xỉ 100% số dòng thuế công nghiệp.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, TPP và các hiệp định thương mại khác sẽ tạo thời cơ cho Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế, do đó mở rộng được danh mục các mặt hàng có thể sản xuất và xuất khẩu.